Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, thiệt lâu dài
Xã hội - Ngày đăng : 13:28, 31/10/2023
Số người nhận BHXH một lần tăng
Theo thống kê của Ban Thực hiện chính sách (BHXH Việt Nam), tỷ lệ rút BHXH một lần ngày càng tăng và tăng nhanh hơn so với tỷ lệ người tham gia BHXH. Tốc độ tăng trung bình của lượng người hưởng BHXH một lần của năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 10%.
Tính đến hết tháng 8/2023, số người tham gia BHXH một lần khoảng 17,5 triệu người (tăng 526 nghìn người, tương đương 3,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng hơn 16 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người. Giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần.
Tỷ lệ lao động trẻ nhận BHXH một lần ngày càng nhiều, bởi có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm dẫn đến gia tăng số người hưởng BHXH một lần…
Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận Phạm Xuân Toan cho biết, tỉnh Bình Thuận cũng có nhiều lao động nghỉ việc do doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi dịch Covid-19 nên cắt giảm lao động hàng loạt và người lao động khó tìm được việc làm mới sau 1 năm nghỉ việc; thêm vào đó, việc đề xuất cách tính mức hưởng BHXH một lần giảm đi, rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo dự thảo sửa đổi Luật BHXH khiến một bộ phận người lao động tranh thủ nhận trợ cấp BHXH một lần trước khi Luật BHXH được bổ sung, sửa đổi có hiệu lực.
Tại tỉnh Bình Thuận, đến đầu tháng 10/2023 số người được xét duyệt hưởng chế độ BHXH một lần là 11.741 người, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022
“Việc gia tăng số người nhận BHXH một lần là một thực tế rất đáng lo ngại. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia khi dân số đang bắt đầu già hóa” - ông Toan cho biết.
Theo cơ quan BHXH, việc nhận BHXH một lần chỉ giúp lao động giải quyết khó khăn trước mắt, còn về lâu dài, nhất là khi đến tuổi già không có lương hưu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bởi lẽ rút BHXH một lần cũng có nghĩa là người lao động đã tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai.
Đảm bảo hài hòa giữa chính sách và nhu cầu của người lao động
Thực tế có nhiều người đã nhận BHXH một lần, sau này lại mong muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không có quy định về vấn đề này.
Theo Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, người lao động lâu nay đều nghĩ rằng, BHXH là “của để dành”, và hầu hết đều nghĩ rằng đó là tiền của mình. Khi gặp khó khăn, người lao động phải rút tiền đó để trang trải cho cuộc sống, cho nhu cầu cấp bách. Điều này, ở góc độ nào đó cũng thể nhu cầu chính đáng của người lao động.
Do đó, điều quan trọng là Nhà nước phải hài hòa giữa chính sách và mong muốn của người lao động. Trong đó, Nhà nước cần tạo thêm được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Người ta có việc làm, có thu nhập thì chắc chắn sẽ không nghĩ đến việc rút BHXH một lần. Cùng với đó, theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương là xây dựng hệ thống BHXH tạo ra quyền lợi hấp dẫn, linh hoạt với nguyên tắc nếu người lao động ở lại hệ thống BHXH càng lâu dài thì sẽ càng được lợi.
Phải xây dựng được các chính sách tạo ra được các quyền lợi cho người lao động và hướng tới mục tiêu bền vững, lâu dài. Các chính sách BHXH phải linh hoạt để thu hút người lao động tham gia vào hệ thống, và đặc biệt là chính sách phải tạo được niềm tin cho người lao động, khuyến khích người lao động càng ở lâu thì càng có lợi.
Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Lê Đình Quảng. Ảnh: N.Lộc
Đại diện BHXH tỉnh Bình Thuận cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, có thể cho vay qua hình thức quỹ giúp đỡ công nhân khó khăn với lãi suất ưu đãi để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt.
Để tháo gỡ vấn đế này, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp; đề xuất quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn...
Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung vào Luật BHXH (sửa đổi), điều kiện hưởng lương hưu được điều chỉnh theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15, hướng tới 10 năm…
Có thể nói, tình trạng rút BHXH một lần sẽ để lại những hệ lụy lớn cho người lao động và cho xã hội. Tuy nhiên, muốn hạn chế điều này, không thể chỉ làm bằng cách thắt chặt các quy định khó khăn hơn cho người lao động, mà quan trọng là phải cân bằng về quyền lợi của người tham gia để BHXH là nhu cầu của chính người lao động./.