5 giải pháp đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 13:55, 31/10/2023

(BKTO) - Để đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II đề xuất 5 giải pháp quan trọng…
anh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: ST

Theo KTNN chuyên ngành II, trong những năm qua, KTNN quan tâm và dành nhiều hơn thời gian, nguồn lực để  kiểm toán hoạt động đối với lĩnh vực đầu tư công nhằm thực hiện các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn.

Nhằm đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công, KTNN chuyên ngành II đề xuất 5 giải pháp sau:

Bổ sung, làm rõ hơn căn cứ pháp lý cho loại hình kiểm toán hoạt động

Để có cơ sở pháp lý cụ thể cho lĩnh vực kiểm toán hoạt động, ngoài quy định trong Luật KTNN, cần thiết phải có quy định bổ sung nội dung về kiểm toán hoạt động trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán nhà nước, hệ thống biểu mẫu hồ sơ kiểm toán... nhằm chi tiết nội dung, phương pháp, các bước tiến hành kiểm toán để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành, cũng
như làm căn cứ pháp lý để giải quyết các vướng mắc có liên quan đến kiểm toán hoạt động.

Xây dựng hệ thống quy trình, chuẩn mực, hướng dẫn kiểm toán đối với loại hình kiểm toán hoạt động nói chung và kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng; xây dựng hệ thống tiêu chí kiểm toán phù hợp với từng cuộc kiểm toán, loại hình và quy mô, tính chất của cuộc kiểm toán; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, mẫu biểu, phương pháp, thủ tục kiểm toán hoạt động.

Thời gian qua, KTNN đã thực hiện độc lập một số cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như hoạt động đầu tư xây dựng, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Phủ Lý (Hà Nam); hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng; Dự án cấp nước và nước thải đô thị vay vốn WB; Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) và Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu vay vốn ADB; các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng Thủy điện Hòa Bình; kiểm toán chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Đào tạo kỹ năng kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên

Khi phân tích tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả là các nội dung mang yếu tố định tính, kiểm toán viên phải hiểu biết về nhiều lĩnh vực, hiểu biết sâu sắc về các nội dung kiểm toán để chọn lựa tiêu thức so sánh đúng đắn, phù hợp, từ đó mới có thể đưa ra các phương án giả định thay thế đối chiếu với thực trạng và đưa ra kết luận thỏa đáng về nội dung kiểm toán đã thực hiện.

Do vậy, công tác đào tạo kỹ năng kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên cần được quan tâm như một yêu cầu tất yếu cho việc triển khai áp dụng loại hình kiểm toán này.

Định hình các biện pháp nghiệp vụ kiểm toán hoạt động

Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở pháp lý, đào tạo cán bộ, cần có cẩm nang định hướng nghiệp vụ kiểm toán hoạt động cho kiểm toán viên. Ví dụ, định hướng về mục tiêu, phạm vi kiểm toán; tiêu chí cụ thể xác định mức độ sai sót cần phải có ý kiến kiểm toán...

Ngoài ra, cần định hướng một số vướng mắc có thể phát sinh để thống nhất xử lý như: Cơ sở so sánh hiệu quả tức thời và hiệu quả lâu dài; mục tiêu kinh tế và mục tiêu chính trị xã hội; cách thức kiến nghị giải pháp khắc phục bất cập, phân định những kiến nghị bắt buộc thực hiện hoặc khuyến nghị đơn vị được kiểm toán.

Thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu có quy mô toàn Ngành

Chú trọng thực hiện các cuộc kiểm toán đối với các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia từ khâu chuẩn bị đầu tư (kiểm toán báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, kiểm toán chủ trương đầu tư, sự cần thiết đầu tư), trong đó tập trung đánh giá sự cần thiết đầu tư, quy mô và nội dung đầu tư.

Đánh giá hiệu quả, tác động đối với kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới môi trường và các yếu tố khác khi dự án được chấp thuận đầu tư, góp ý kiến quan trọng với lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trong việc đưa ra quyết sách đầu tư các chương trình, dự án có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và sự phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Học tập kinh nghiệm quốc tế

Tại các nước phát triển, loại hình kiểm toán hoạt động đã được thực hiện từ rất lâu. Vì vậy, KTNN Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của KTNN các nước. 

Trên nền tảng kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn quản lý ở trong nước, KTNN có thể đưa ra những giải pháp chuyên môn thích hợp với đặc thù quản lý kinh tế và đặc thù hoạt động kiểm toán tại Việt Nam./.

THÀNH ĐỨC