Gỡ vướng để công trình thủy lợi đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế

Tài chính - Ngày đăng : 17:11, 06/11/2023

(BKTO) - Hiện mỗi năm, Nhà nước cấp bù thủy lợi phí khoảng 6.500 tỷ đồng do chưa thu phí người sử dụng nước (miễn thủy lợi phí). Trong khi đó, nhiều địa phương chưa ban hành phương án giá, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi…
nong-nghiep-quang-ngai-sau-khi-co-cong-trinh-thuy-loi-thach-nham-17082019105638.jpg
Các công trình thùy lợi ngày càng được hướng đến khai thác đa ngành. Ảnh ST

Những bất cập này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm có giải pháp tháo gỡ, từ đó thúc đẩy đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi.

Quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn nhiều bất cập

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), cả nước hiện có 6.750 đập; 19.416 trạm bơm; 27.754 cống; 16.057 đập tạm; 291.000km kênh mương các loại. 

Hằng năm, các công trình thủy lợi tưới cho khoảng 7,26 triệu ha lúa; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất...

Tính đến nay, cả nước có 101 đơn vị khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 85 doanh nghiệp (chiếm 84,16%), 6 ban (5,94%), 7 trung tâm (6,93%) và 3 chi cục thủy lợi (2,97%) làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vừa và lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng. Gần 27.000 lao động đang làm việc tại các đơn vị khai thác công trình thủy lợi. Hầu hết lao động đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chỉ còn lại một số ít chưa qua lớp đào tạo quản lý khai thác.

Xác định vai trò quan trọng của hệ thống hạ tầng thủy lợi, Chính phủ đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư rất lớn vào đây; đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thu hút đơn vị tham gia quản lý, vận hành công trình; chính sách về giá dịch vụ thủy lợi…

dsc_5325.jpg
Hệ thống công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh, nhiều quy định liên quan tới quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã bộc lộ sự bất cập, chưa phù hợp với tình hình mới, khiến các đơn vị khai thác công trình thủy lợi chủ yếu vẫn đóng khung ở nhiệm vụ phục vụ công ích.

Ngay trong Luật Thủy lợi, một số quy định về tổ chức khai thác công trình còn hạn chế; việc thực thi quy định trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở nhiều địa phương chưa triệt để, đầy đủ…, từ đó dẫn đến các hành vi vi phạm, xâm hại công trình thủy lợi chưa được xử lý kịp thời, đúng mức; chưa đổi mới được công tác quản lý, khai thác công trình… Vấn đề này từng được đề cập tại nhiều diễn đàn, hội thảo về quản lý, khai thác công trình thủy lợi, song đến nay chưa có nhiều chuyển biến. 

Ngoài ra, quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi chưa rõ ràng, thống nhất, chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp quản lý công trình liên kết khai thác, sử dụng tài sản công đạt hiệu quả cao nhất...

Đáng chú ý, theo Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam Đào Xuân Học, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động của các đơn vị khai thác. Nguồn thu từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác còn hạn chế.

“Việc cấp bù thủy lợi phí cũng như giá thủy lợi phí ra đời cách đây hơn chục năm đã rất lạc hậu. Nếu chỉ tính trượt giá là 7% thì khoảng 7 năm phải tăng gấp đôi với giá cấp bù cũng như giá thủy lợi phí nhưng đến nay thì giá vẫn như vậy” - ông Học cho biết.

untitled.png
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: N.Lộc

Nguồn thu khó khăn, buộc các đơn vị quản lý phải ưu tiên bảo đảm nội dung chi cần thiết, cấp bách nên công trình không được bảo trì kịp thời; cũng như không được khai thác, phát huy hiệu quả cao nhất

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

Đối với tình trạng thu nhập của người lao động tại các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện rất thấp, các chuyên gia cũng đề nghị Bộ NNPTNT phối hợp xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng chính sách tiền lương, tiền công, chế độ ăn ca, quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động; cần có cơ chế chính sách lương, thưởng để khuyến khích người quản lý doanh nghiệp khi doanh thu của đơn vị tăng…

Muốn đổi mới, cần bắt đầu từ cơ chế tài chính... 

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (Nghị định 96) đang nảy sinh nhiều bất cập. 

dsc_5399.jpg
Gỡ vướng quy định để công trình thủy lợi phát huy hiệu quả đa ngành. Ảnh: N.Lộc

Ông Đoàn Thế Lợi, chuyên gia kinh tế đưa ra đề xuất sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 96. Theo ông Lợi, mặc dù công trình thủy lợi đã tham gia phục vụ đa ngành, đa nghề nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính tự chủ, tạo động lực đối với việc sử dụng nguồn tiền thu được từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác khiến các tổ chức, cá nhân chưa mặn mà thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Luật Thủy lợi cùng Luật Giá khi ban hành với kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động tự chủ, xã hội hóa tại các công ty khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, quy định pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới dẫn đến còn nhiều vướng mắc trong thực thi, đơn cử như để thu được dịch vụ khác như du lịch, điện mặt trời, cấp nước sinh hoạt, hay thoát nước thải… thì cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ.

“Khi Nghị định 96 được sửa đổi, UBND tỉnh có quyền tự ra quyết định thì các công ty có thể thu được từ các loại hình dịch vụ thủy lợi khác. Qua đó sẽ thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi. Thủy lợi sẽ chuyển từ phục vụ sang dịch vụ” - Thứ trưởng Hiệp cho biết; đồng thời nhấn mạnh, thực hiện được vấn đề này sẽ góp phần giải quyết bài toán nâng cao đời sống cho người lao động tại các đơn vị thủy lợi hiện nay.

dsc_5736.jpg
Hệ thống công trình thủy lợi, đập Ba Lai, tỉnh Bến Tre. Ảnh: N.Lộc

Theo đại diện Bộ Tài Chính, nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu trình Chính phủ quy định tính giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo hướng tính đúng, tính đủ; hướng dẫn chi tiết việc thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo cơ chế đặt hàng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, thực hiện khuyến nghị của Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT đã xúc tiến triển khai đặt hàng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thủy lợi, tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, công tác này vẫn gặp rào cản. “Giá dịch vụ thủy lợi như hiện nay khiến đơn vị quản lý gặp nhiều khó khăn, do đó, cần phải nâng mức giá dịch vụ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia khai thác, từ đó giảm bớt sự bao cấp của Nhà nước đối với ngành thủy lợi” - ông Khanh nhấn mạnh./.

N.LỘC