Khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện
Kinh tế - Ngày đăng : 16:03, 07/11/2023
Tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, sáng 07/11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về vấn đề xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt
Năm 2024, ưu tiên ban hành bộ định mức kinh tế về xử lý rác thải
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, qua báo cáo hiện nay, tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tổng hợp từ nguồn báo cáo của 57/63 địa phương, cụ thể ở đô thị, tỷ lệ này đạt 96% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%), ở nông thôn đạt 71%.
Tuy nhiên qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác vì hệ thống quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt, thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật.
Trong khi đó, phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã kết luận, năm 2022 phải ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, năm 2022 tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là 67.110 tấn/ngày, trong đó, các đô thị là 36.870 tấn, còn khu vực nông thôn là 29.455 tấn.
Những năm qua, các địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đốt rác phát điện hoặc hoặc xử lý rác được xây dựng.
Hiện, cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt và 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, còn khoảng 65% số rác thải của cả nước cần chôn lấp, còn khoảng 16% tổng số rác thải được các nhà máy chế biến thu hồi và phát triển năng lượng.
“Thực tế, rác thải sinh hoạt như đại biểu trao đổi, theo báo cáo của địa phương là 96% rác thải đô thị, còn là 75% rác thải nông thôn được xử lý. Đây là con số được xử lý bằng hình thức chôn lấp” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta mới chỉ xử lý rác thải phần lớn bằng phương pháp chôn lấp là do hiện nay rất khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý đốt rác phát điện hiện đại. Việc phân loại, xử lý rác tại các nhà máy hiện có cũng đang còn nhiều khó khăn.”
Theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ TN&MT đã thực hiện một số giải pháp và thực hiện hướng dẫn như Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.
Cụ thể, ban hành nội dung, yêu cầu kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu, kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hình thức về giá dịch vụ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng; phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng với các nhà đầu tư, xử lý chất thải; bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và có văn bản hướng dẫn các địa phương phân loại rác tại nguồn.
“Thời gian tới, đề nghị các địa phương căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ TN&MT quan tâm tập trung để tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn. Từ đó, chúng ta sẽ có cách xử lý rác thải triệt để. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, trong đó ưu tiên ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật vào năm 2024 về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và tiếp tục rà soát ban hành Quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin.
Kiên quyết không tiếp nhận dự án chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải
Cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, hiện nay có nơi, có lúc, có khu công nghiệp thải nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho người dân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết tình hình kiểm soát việc xây dựng quy trình vận hành của các hệ thống xử lý nước thải tập trung như thế nào, đồng thời, chỉ rõ khó khăn cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đến năm 2022 cả nước có 291 khu công nghiệp nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, có 734 cụm công nghiệp thì chỉ có 179 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong 26 khu công nghiệp chưa có xử lý nước thải thì có 7 khu đang hoàn thành. Hầu hết những khu công nghiệp này xây dựng từ năm 2005 đến năm 2013, tức là xây dựng trước đây, cho nên chưa có tiêu chuẩn quy định, yêu cầu bắt buộc trong việc này.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã có nhiều văn bản để đôn đốc, trong đó tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường và xử lý nước thải trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường quy định khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt hệ thống giám sát, hệ thống quan trắc tự động kết nối về các Sở TN&MT và Bộ TN&MT. Đến nay, đã có 271 trạm quan trắc của các khu công nghiệp chuyển về.
“Nhiều địa phương đã yêu cầu tiêu chuẩn xả thải ra sông còn phải cao hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay, bắt buộc cao hơn. Khó khăn ở đây chính là các cụm công nghiệp. Hiện nay, chúng ta mới xử lý được 24,4%. Các địa phương đang cố gắng để tiếp tục xử lý” - Bộ trưởng thông tin
Tuy nhiên, ở các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì các nhà máy, các cơ sở kinh doanh, cơ sở thứ cấp đã có hệ thống xử lý nước thải.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ sẽ có các giải pháp cho vấn đề này như sau:
Thứ nhất, kiên quyết và chỉ cho phép các khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung của cung khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới muốn đi vào hoạt động, vận hành phải hoàn thành bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý nước thải. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khuyến khích các cụm, khu công nghiệp mới vận hành tuần hoàn...
Thứ hai, kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất các dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh tập trung trong cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom.
Thứ ba, đề nghị các Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các cụm công nghiệp.
Thứ tư, công tác tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử phạt hành chính; tiếp tục rà soát và có phương án để đầu tư đồng bộ cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các địa phương./.