Bộ trưởng, Trưởng ngành phải trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật

Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 07/11/2023

(BKTO) - Sáng 07/11, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nêu một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế trong thời gian tới.
ltl.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết, khi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, nhiều doanh nghiệp phản ánh doanh nghiệp khi làm chậm, làm sai so với quy định của pháp luật thì Nhà nước xử phạt với chế tài rất nghiêm, nhưng trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật thì chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết quan điểm và giải pháp đối với vấn đề không ban hành, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật hoặc ban hành văn bản pháp luật không khả thi.

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho biết, theo báo cáo, hiện nay, vẫn còn 13 trên tổng số 129 văn bản quy định chi tiết của các luật, nghị định đã có hiệu lực thi hành trong nhiệm kỳ này chưa được ban hành. Một số văn bản theo đánh giá thì chất lượng chưa đảm bảo, vừa ban hành thời gian ngắn đã sửa đổi, bổ sung hoặc không phù hợp với thực tiễn hoặc vẫn có bất cập, vướng mắc. 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết trách nhiệm của các Bộ, ngành trong vấn đề xây dựng thể chế và hướng giải pháp trong thời gian tới.

cv-1.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã tồn tại nhiều năm, chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để. 

Trong đó, năm 2023, theo thống kê của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành hiện còn nợ 12 văn bản đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành, giảm 18 văn bản so với năm 2020, tăng 4 văn bản so với năm 2021 và bằng so với năm 2022. 

Nêu nguyên nhân, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó có sự chưa chủ động, chưa cố gắng của các chủ thể trình các văn bản của các Bộ, ngành. 

Về nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, một số văn bản luật yêu cầu số lượng văn bản quy định chi tiết khá nhiều như Luật Kinh doanh bảo hiểm có đến 37 nội dung giao quy định chi tiết; một số văn bản khó, như nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản… 

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác là do thời điểm có hiệu lực của một số luật, nghị quyết từ lúc được thông qua đến khi có hiệu lực thi hành tương đối ngắn. 

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng xác nhận cũng có những văn bản ban hành chậm và có hệ quả. 

Về trách nhiệm, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Bộ Tư pháp chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp còn chịu trách nhiệm tham mưu chung cho Chính phủ trong việc thẩm định, rà soát và đôn đốc, kiểm tra việc thi hành của các Bộ, ngành. Trong phần chậm trễ của các Bộ, ngành về vấn đề này có trách nhiệm chung của Bộ Tư pháp. 

Nêu các giải khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất tiếp tục thực hiện một số giải pháp đã triển khai từ trước đến nay, như thực hiện yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật. 

“Hiện đã có 10/28 Bộ trưởng, Trưởng ngành phụ trách công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng thêm 2 người so với tháng 8/2023” - Bộ trưởng thông tin. 

Về chuyên môn, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất các Bộ, ngành trong giai đoạn soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, ngoài việc cần thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần tiếp tục cố gắng để xác định rõ các nội dung sẽ quy định trong văn bản quy định chi tiết. 

Tương tự như vậy, trong quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đối với vấn đề chưa rõ trong các luật, các nghị quyết của Quốc hội thì chưa đề xuất đưa vào chính sách; hạn chế số lượng văn bản bằng cách gộp các nội dung quy định chi tiết có nội dung tương tự để quy định trong một văn bản. 

Đặc biệt, nhấn mạnh đến yếu tố con người, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, Bộ Chính trị vừa qua đã ban hành những quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và sắp tới là trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

Bộ trưởng tin tưởng, với việc này, cùng với quá trình giám sát của Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật sẽ tạo được đà phát triển và khắc phục được tốt hơn những tồn tại, hạn chế hiện nay./.

DIỆU THIỆN