Cần ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Pháp luật - Ngày đăng : 20:39, 07/11/2023
Do vậy, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hàng lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới...
Theo Bộ Quốc phòng, hiện nay, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực động viên công nghiệp là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003.
Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết có tác động đến công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như: Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Doanh nghiệp năm 2020… đòi hỏi phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Hơn nữa, qua tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên phạm vi toàn quốc cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi Pháp lệnh này đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập về chức năng quản lý Nhà nước; tính lưỡng dụng trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; vấn đề hợp tác quốc tế trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp…
Do vậy, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hàng lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ Quốc phòng đã chủ trì triển khai xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – cho biết, các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan và việc thẩm định của Bộ Tư pháp đều thống nhất cao với tính đầy đủ của các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về sự cần thiết phải ban hành văn bản, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật và thống nhất cao về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.
Chiều 8/11, tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Theo dự kiến, Dự án Luật này sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận lần 2 và thông qua vào Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tại Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và tháng 9 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thuận – Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh - cho biết: Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (năm 2008), 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (năm 2003) và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.
Cũng theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ, việc xây dựng Luật là cấp bách trước mắt cũng như lâu dài trên cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xu hướng chi tiêu quốc phòng trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, khí tài hiện đại và diễn biến phức tạp, khó lường của hoạt động quân sự trong khu vực và trên thế giới, tình hình an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng, sự chống phá của các thế lực thù địch, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước...
Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ trình cơ bản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu.../.
Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo kế thừa tối đa Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003; Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008; thực tiễn 10 năm thực hiện chính sách xây dựng công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay.
Đồng thời Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong đó có nêu chủ trương về công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo, xây dựng, phát triển theo cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển...