Quy hoạch bến xe ra ngoại thành liệu có khả thi?
Đầu tư - Ngày đăng : 11:05, 11/09/2018
(BKTO) - Hiện nay, hầu hết các địa phương đều có chung một quan điểm là muốn quy hoạch các bến xe ra xa trung tâm thành phố với lý do đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm trên không cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị mà còn khiến tình hình trật tự, ATGT và công tác vận tải hành khách bị ảnh hưởng.
Mỗi ngày phát sinh chi phíhơn 7 tỷ đồng
Nhiều địa phương có quan điểm quy hoạch bến xe ra xa trung tâm thành phố để bảo đảm trật tự ATGT. Chẳng hạn, theo Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hầu hết bến xe liên tỉnh sẽ bị xóa bỏ như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm; các bến xe dự kiến trong tương lai như: Đông Anh, Cổ Bi, Nội Bài, Ngọc Hồi sẽ cách trung tâm thành phố khoảng 10 - 20km. Tuy nhiên, tại Hội thảo “Cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của DN vận tải, DN bến xe” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) tổ chức mới đây, Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Thanh nhận định, quan điểm này cần phải nhìn nhận lại vì còn nhiều bất cập, đặc biệt chi phí đi lại của người dân phải bỏ ra rất lớn, gây lãng phí cho xã hội.
Phân tích rõ hơn vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VATA Đỗ Xuân Hoa cho hay, chỉ tính riêng tại Hà Nội, nếu sắp tới chuyển 4 bến xe hiện hữu, gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm ra ngoại thành, hành khách sẽ phải sử dụng 30.000 phương tiện các loại/ngày để đi và đến các bến xe bị di chuyển. Cùng với đó, nếu tính trung bình một hành khách hết khoảng 60.000 đồng/lượt di chuyển tới bến xe và mỗi ngày có khoảng 120.000 hành khách thì chỉ riêng việc đi và đến các bến xe Hà Nội đã mất 7,2 tỷ đồng/ngày, khoảng 2.658 tỷ đồng/năm.
Tương tự tại TP. HCM, chỉ riêng Bến xe miền Đông, 1 hành khách di chuyển từ Bến xe miền Đông ra Bến xe mới tại quận Thủ Đức với cự ly là 19km, chỉ cần tính chí phí bình quân thấp nhất là 100.000 đồng/1 người/1 lượt, đi 1 ngày 55.000 lượt người cũng phải chi hết trên 5,5 tỷ đồng và 1 năm người dân cũng phải bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, cần đánh giá lại tính khả thi của phương án quy hoạch bến xe. Bởi, việc chuyển dời các bến xe ra xa trung tâm, nhất là đô thị lớn như Hà Nội sẽ gây khó khăn, mất thêm thời gian và chi phí để hành khách tiếp cận phương tiện, vì so với các bến xe hiện nay thì các bến xe dự kiến trong tương lai có cự ly từ nhà đến bến xa hơn gấp 3 đến 5 lần. Đây là yếu tố rất bất lợi đối với hành khách, lại là cơ hội để tình trạng “xe dù, bến cóc” tràn vào các khu đô thị, gây mất ổn định trật tự giao thông.
Quy hoạch bến xephải mang tính thực tiễn
Theo ông Nguyễn Xuân Thuỷ, một hệ thống bến xe lập ra muốn khả thi phải được nhìn nhận thông suốt, có tầm nhìn và tính toán khoa học, đặc biệt phải mang tính thực tiễn cao, từ đó có quy hoạch hợp lý để người dân được tiếp cận phương tiện nhanh nhất, giảm chi phí, đảm bảo an toàn, kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải. Tại các nước phát triển, bến xe luôn được bố trí ở trung tâm thành phố, là điểm kết nối với các phương tiện vận tải công khác. Việc thiết kế như vậy nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, hạn chế sử dụng xe cá nhân, ngăn “bến cóc, xe dù” chạy xuyên tâm.
Ông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội hiện nay chỉ chiếm 7 - 8 %, trong khi yêu cầu là 20 - 25%. Do vậy, cần ngăn chặn ý đồ tận dụng các khu đất có vị trí “đắc địa” nằm ngay trong lõi đô thị của các bến xe hiện nay để xây dựng các khu nhà cao tầng. Bởi, điều đó dễ phá vỡ trật tự quy hoach kiến trúc, tăng thêm áp lực ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực trung tâm. Mặt khác, bên cạnh việc nên giữ nguyên vị trí các bến xe hiện nay, Hà Nội cần tăng cường, củng cố, mở rộng quy mô bến xe (tăng diện tích, xây cao tầng) và tổ chức lại công tác điều hành, quản lý. Đồng thời, các thành phố cần hình thành những “cụm đầu mối giao thông” tại các địa điểm khác nhau trong nội đô, mỗi cụm bao gồm các công trình như: ga tàu, bến xe liên tỉnh, bến xe buýt, bến tàu điện ngầm, điểm đỗ taxi và phương tiện cá nhân khác nhằm tạo sự kết nối, liên thông, trung chuyển thuận lợi cho hành khách.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP. Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc di chuyển bến xe ra xa trung tâm có giảm ùn tắc giao thông ở một số điểm nhưng lại gây ùn tắc ở nơi khác chứ không giải quyết được triệt để, đồng bộ. Vì vậy, cần giữ lại những bến xe khu vực tập trung dân cư kể cả nội thành và ngoại thành. Để làm được việc này, cơ quan chức năng phải thực hiện tối ưu sự phân luồng giao thông theo quy hoạch luồng tuyến, khắc phục xe chạy xuyên tâm vào giờ cao điểm; đồng thời xây dựng thêm các bến xe vệ tinh theo các hướng, cho phép xe từ bến trung tâm vào bến xe vệ tinh đón, trả khách.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 36 ra ngày 06-9-2018