Tiếp cận liên ngành để giải quyết căn cơ hạn chế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 18:02, 08/11/2023
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các ý kiến chất vấn, tranh luận của đại biểu đã tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể trong lĩnh vực y tế, thông tin và truyền thông, giáo dục, văn hóa… Đây là những lĩnh vực có vị trí hết sức quan trọng trong mô hình phát triển bền vững.
Qua phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng cho rằng cần có cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, liên ngành giữa các lĩnh vực để giải quyết những tồn tại, hạn chế một cách căn cơ.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp với căn cứ chính trị rõ ràng bằng các nghị quyết của Trung ương, có chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể trong từng lĩnh vực.
Phó Thủ tướng đã trao đổi với các đại biểu Quốc hội một số vấn đề cần cách tiếp cận liên ngành, tổng thể.
Về năng suất lao động, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định, chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong trong từng lĩnh vực (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp), đề ra nhiều giải pháp, đặc biệt khẩn trương thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế từ khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, carbon thấp.
Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như là nguồn tài nguyên, động lực mới cho phát triển; hoàn thiện thể chế phục vụ cho quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, năng lượng xanh...
Thêm vào đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới toàn diện lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hình thành các trung nghiên cứu khoa học công nghệ đủ mạnh, từ nghiên cứu cơ bản làm tiền đề cho nghiên cứu và triển khai (R&D).
“Công tác quản lý khoa học công nghệ cần được chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó nhấn mạnh vai trò của Nhà nước đầu tư những trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản (tự nhiên, xã hội); đồng thời phân cấp, có cơ chế để huy động và khuyến khích R&D với trung tâm là các doanh nghiệp” - Phó Thủ tướng trao đổi.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng khẳng định phải kiên định thực hiện chủ trương của Đảng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, có nhiệm vụ hết sức quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.
Cùng với việc đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh, theo Phó Thủ tướng, cần tiếp tục đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chủ trương về xã hội hóa giáo dục, tự chủ đại học, bảo đảm số lượng, chất lượng cho đội ngũ giáo viên.
“Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự thay đổi về cơ chế kinh tế chứ không phải riêng ngành giáo dục” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Đồng tình với ý kiến đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) về tình trạng thiếu giáo viên nhưng vẫn thực hiện cắt giảm viên chức giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xem xét từ khâu dự báo nhu cầu, quy hoạch của ngành giáo dục cũng như việc sắp xếp, quy hoạch trường lớp và bố trí dân cư ở vùng sâu vùng xa, khu vực khó khăn đi kèm với đầu tư hạ tầng xã hội là hết sức quan trọng.
“Bên cạnh cơ chế, chính sách để huy động đội ngũ giáo viên, đào tạo tại chỗ, chúng ta cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục với việc bảo đảm và tăng đầu tư Nhà nước cho vùng sâu vùng xa” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực văn hóa - với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu về mặt lý luận, về tính vật chất của văn hóa được thể hiện qua ngành công nghiệp văn hóa, trong chuyển đổi số, thế giới ảo…
“Chính phủ sẽ trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, trong đó đề cập những vấn đề về nhận thức, lý luận cũng như những nhiệm vụ ưu tiên để có thể xây dựng văn hóa xứng đáng với vị trí, vai trò hết sức quan trọng này” - Phó Thủ tướng nói./.