Dự án Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích: Chấn chỉnh tình trạng sử dụng sai kinh phí
Xã hội - Ngày đăng : 15:05, 11/09/2018
(BKTO) - Từ nguồn vốn của Dự án Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (gọi chung là Chương trình) giai đoạn 2011-2015), gần 1.000 di tích đã được tu bổ, tôn tạo, qua đó góp phần vào việc phát huy giá trị di tích. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động, sử dụng nguồn vốn dành cho công tác này vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục.
Hiệu quả từ công tác bảo tồndi tích
Dự án Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích là 1 trong 6 dự án thành phần của Chương trình giai đoạn 2012-2015, có kinh phí thực hiện hơn 5.000 tỷ đồng (chiếm gần 70% vốn của Chương trình). Từ nguồn NSNN được cấp, gần 1.000 công trình di tích trọng điểm đã được tu bổ, tôn tạo. Nhiều di tích sau tôn tạo đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.
Tại tỉnh Bắc Giang, việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu, đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Sĩ Cầm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Bắc Giang - cho biết, Chương trình còn thúc đẩy phong trào xã hội hóa để đầu tư tu bổ các di tích khác. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã được chính quyền, nhân dân địa phương quản lý và phát huy giá trị có hiệu quả.
Khu phố cổ Hội An đã được tu bổ, tôn tạo - Ảnh: Huy Thành
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên, nhiều di tích sau khi tôn tạo đã trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa đặc thù, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế, mang lại cho nhân dân những lợi ích vật chất cụ thể. Năm 2017, nhiều di tích có nguồn thu lớn, như: Quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) 313 tỷ đồng; Khu phố cổ Hội An 219 tỷ đồng; Khu di tích Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) 50 tỷ đồng; Văn Miếu - Quốc Tử Giám 46 tỷ đồng; đền Ngọc Sơn (TP. Hà Nội) 27 tỷ đồng... Một phần nguồn thu này đã được đầu tư trở lại cho công tác tôn tạo, bảo tồn di tích.
Mặt khác, theo PGS,TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, cái được quan trọng khác từ Chương trình là tạo sức lan tỏa, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội thông qua nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích; sự tham gia của cộng đồng vào việc trùng tu, bảo vệ di tích...
Khắc phục bất cập trong quản lý, sử dụng kinh phí
Bên cạnh những kết quả đạt được vừa qua, đại diện Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) cũng cho biết, qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bất cập, sai sót trong việc quản lý, sử dụng kinh phí dành cho mục tiêu tu bổ di tích. Điển hình như việc triển khai Chương trình ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu đồng bộ; nhiều địa phương thiếu vốn đối ứng, trông chờ vào ngân sách T.Ư; việc huy động các nguồn lực khác tham gia vào đầu tư, tu bổ di tích chưa được quan tâm, thậm chí có địa phương đã sử dụng sai nguồn vốn sang mục đích khác...
Điều đáng nói, những bất cập này từng được KTNN chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán Chương trình giai đoạn 2006-2010 song không được chấn chỉnh, khắc phục và vẫn tái diễn trong giai đoạn sau. Cụ thể, theo Báo cáo kiểm toán, hầu hết các địa phương được kiểm toán đều có sự điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác không đúng quy định; chậm báo cáo Bộ VH,TT&DL khi thay đổi đầu tư dự án; sử dụng sai mục đích cấp kinh phí cho các lĩnh vực khác như: giáo dục, y tế...
Trao đổi với Báo Kiểm toán, đại diện Cục Di sản cho biết, từ kết quả kiểm tra, giám sát Chương trình giai đoạn 2012-2015 vừa qua, Bộ sẽ có chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các địa phương khắc phục sai sót, bất cập trong tu bổ di tích từ nguồn vốn ngân sách. Đối với các di tích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, Bộ VH,TT&DL cũng tăng cường giám sát, trên cơ sở phân cấp quản lý để tránh tình trạng biến tướng, làm biến dạng di tích sau trùng tu như báo chí phản ánh.
Liên quan đến việc triển khai tu bổ di tích theo Chương trình giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, đại diện Cục Di sản cũng cho biết, Bộ VH,TT&DL đang phối hợp thực hiện các quy trình thủ tục, cân đối nguồn vốn để đưa ra mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án, từng địa phương theo hướng các dự án tu bổ di tích dang dở từ giai đoạn trước sẽ được ưu tiên triển khai trước.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 36 ra ngày 06-9-2018