Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải đi vào thực chất, hiệu quả
Địa phương - Ngày đăng : 20:17, 08/11/2023
Nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã triển khai Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025 và Kế hoạch Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025. Qua đó góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Thành phố, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, chiếm 26,32% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của cả nước (3.800 doanh nghiệp); 32 tổ chức ươm tạo, chiếm 38,1% tổng số tổ chức của cả nước (84 tổ chức); 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (cả nước có 35 tổ chức). Cùng với đó, Thành phố hình thành mạng lưới các huấn luyện viên, chuyên gia, cố vấn về khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với lĩnh vực công thương, theo Sở Công Thương, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu nhằm ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực công thương, các chương trình công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực đã kết nối tốt và hiệu quả các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Năm 2021, Thành phố Hà Nội đã bố trí hơn 20 tỷ đồng và năm 2022 bố trí hơn 15 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ của Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (Đề án 4889) và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn.
Đặc biệt, các hình thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt dần chiếm ưu thế và phổ biến tại tất cả các kênh phân phối. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng giá thành hợp lý, chiếm ưu thế lớn trên kệ hàng tại hệ thống phân phối và được nhiều người tiêu dùng đón nhận, lựa chọn, kịp thời thích ứng với điều kiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh.
Đối với lĩnh vực y tế, thực hiện Chương trình 07-CTu/TU, Sở Y tế Hà Nội đã tích cực nghiên cứu, đưa các ứng dụng công nghệ vào thực tiễn tại đơn vị, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bệnh viện với nhiều phân hệ phần mềm quản lý các lĩnh vực hoạt động trong bệnh viện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ khám, quản lý dữ liệu khám bệnh, kê đơn thuốc điện tử…
Khoa học, công nghệ phải bám sát thực tiễn
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới nguồn lực, hạ tầng, thể chế, nhân lực chuyển đổi số...
Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra số 2 Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở Công Thương cho biết, việc nghiên cứu làm các nhiệm vụ, đề tài khoa học chưa nhiều so với chức năng, nhiệm vụ của ngành; các đề án về chuyển đổi số triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ chế ưu đãi cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhưng chưa quy định cụ thể quy trình áp dụng, cơ quan xác định các khoản đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST nên chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Còn theo Sở Y tế Hà Nội, do đội ngũ cán bộ của các đơn vị còn mỏng, ít chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm. Trong khi đó, trang thiết bị tuy được trang bị khá đồng bộ nhưng hầu hết chỉ đáp ứng được các nghiên cứu cơ bản, chưa thực hiện được các nghiên cứu chuyên sâu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đề nghị, trong thời gian tới, các Sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình 07-CTr/TU, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các đề án, dự án, đề tài khoa học cụ thể hóa Chương trình, tạo sự đồng thuận, tin tưởng cao của toàn xã hội; rà soát lại các đề án, dự án, đề tài, sau đó cân đối với đơn vị để ưu tiên triển khai thực hiện. Việc thực hiện Chương trình phải đi vào thực chất, hiệu quả, bền vững.
Đối với chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và tốc độ năng suất lao động, các Sở phải có đánh giá trên cơ sở khảo sát thực tế, khách quan, từ đó xây dựng một bộ chỉ số thực chất. Đối với hỗ trợ đổi mới sáng tạo phải tập trung cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp phải đi vào thực chất, không cần chạy theo phong trào.
Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở ngành liên quan sớm có phương án bố trí, sắp xếp trụ sở hình thành Trung tâm ĐMST và khởi nghiệp. Đối với lĩnh vực công thương, Sở Công Thương cần rà soát lại ngành công nghiệp hỗ trợ chủ lực, qua đó hỗ trợ về mặt bằng, đào tạo nghề. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Còn lĩnh vực y tế, Sở Y tế tập trung xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin y tế thông minh./.