“Đại đoàn kết là nền tảng của đại thắng lợi”
Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 06:24, 09/11/2023
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của đại đoàn kết với cách mạng Việt Nam. Theo Người: “Đại đoàn kết là nền tảng của đại thắng lợi”. Ngày 06/7/1956, trong Thư gửi đồng bào cả nước, Người viết: “Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng đã thắng lợi, kháng chiến đã thành công. Nay chúng ta đại đoàn kết thì cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nước ta nhất định thống nhất”.
Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đại đoàn kết phải bảo đảm sâu rộng, toàn diện, thiết thực, hiệu quả. Người chỉ ra nền gốc của đại đoàn kết chính là sự đoàn kết toàn dân. Trong Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc, ngày 10/01/1955, Người nói: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. Tháng 5/1957, tại Lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục, Người nêu ra quy mô rất rộng của đại đoàn kết: “Đoàn kết trên dưới, cán bộ và chiến sĩ, miền Nam và miền Bắc, trong và ngoài Đảng, quân đội và nhân dân, đoàn kết rộng rãi với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ đại đoàn kết phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”. Người yêu cầu cùng với việc thực hiện đoàn kết trong Đảng thì Đảng phải đoàn kết với nhân dân. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, năm 1947, Người phân tích: “Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: So với số dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết”.
Theo Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước phải luôn có chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện đại đoàn kết. Trên Báo Nhân dân ngày 08/11/1962, đăng bài “Một thắng lợi mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: “Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là: Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ”. Tháng 8/1947, trả lời Báo Độc lập về việc Chính phủ mở rộng, Người nói: “Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết”. Đồng thời yêu cầu Đảng, Nhà nước và nhân dân khi thực hiện đại đoàn kết cần bảo đảm tính lâu dài: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài” và thường xuyên được củng cố: “Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố: Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi”.
Phải có đại đoàn kết thật sự là nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng nhắc nhở: “Không chỉ đoàn kết ngoài miệng mà phải thật sự, đoàn kết trong công tác, trong học tập”. Người đưa ra nhiều giải pháp để đại đoàn kết có hiệu quả nhất, trong đó có giải pháp tự phê bình và phê bình: “Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình, tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết tốt hơn nữa, đó là một điểm rất quan trọng”.
Hồ Chí Minh còn thẳng thắn chỉ ra những căn bệnh có hại cho đại đoàn kết cần được khắc phục, trong đó có căn bệnh cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc. Người nêu rõ tác hại của những căn bệnh này, như căn bệnh cô độc hẹp hòi: “Ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết” và “phá hoại sự đoàn kết toàn dân”. Do vậy, Người yêu cầu: “Trong chính sách đoàn kết cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm: Cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc”.
Thực tế rất đáng tự hào, trân trọng là cùng với tư tưởng, quan điểm, lời dạy và tổ chức thực hiện đúng đắn, hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương ngời sáng, tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết. Xin được nhắc lại khẳng định của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn sách “Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì”: “Hồ Chủ tịch không chỉ kêu gọi đoàn kết, mà ngày đêm thực hiện sự đoàn kết ấy. Hơn nữa, Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho sự đoàn kết, chính Hồ Chủ tịch là sự đoàn kết ấy”.
Trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang tiếp tục tích cực Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tinh thần và việc làm tiêu biểu của Người về đại đoàn kết. Ngày 30/8/2020, tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hồ Chủ tịch sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân ta. Di chúc của Người tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại, thấm đậm văn hóa và nhân văn Hồ Chí Minh, mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn, cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta”.
Hiện nay, để tiếp tục xây dựng, tăng cường, phát huy sức mạnh của đại đoàn kết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải tiếp tục lãnh đạo cả nước thực hiện thành công các giải pháp, mục tiêu quan trọng đã được đặt ra, trong đó có nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2030: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”./.