Chất vấn nhiều vấn đề “nóng” của ngành giáo dục

Xã hội - Ngày đăng : 10:11, 09/11/2023

(BKTO) - Xã hội hóa, giá sách giáo khoa có xu hướng tăng; tình trạng bạo lực học đường đáng báo động; thiếu giáo viên… là những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 08/11.

pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: VPQH

Giá sách tăng, tăng gánh nặng cho phụ huynh

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), xã hội hóa sách giáo khoa là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Tuy nhiên, thời gian qua, xã hội hóa sách giáo khoa có nhiều vấn đề đặt ra. “Xã hội hóa gì mà giá sách giáo khoa càng ngày càng tăng” - đại biểu cho biết.

Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị Bộ nên biên soạn một bộ sách giáo khoa để cạnh tranh với các đơn vị khác. “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên biên soạn, in một bộ sách giáo khoa riêng, đây là bộ sách giáo khoa của Nhà nước và cùng cạnh tranh lành mạnh với tất cả các nhà xuất bản sách giáo khoa khác” – đại biểu cho biết.

Theo đại biểu Hòa, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ không thu tiền sách giáo khoa mà trợ cấp hoàn toàn, thậm chí không thu học phí cho học sinh phổ thông.

081120230934-nguyen-.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: VPQH

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính thì duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp.

Thực hiện đồng bộ giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) về giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, Bộ trưởng cho biết cần phải áp dụng một loạt các giải pháp có tính chất tổng thể, đồng bộ với sự vào cuộc của toàn xã hội.

Tuy nhiên, với trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, Bộ cũng có tính đến một số các giải pháp cụ thể với các mức độ ưu tiên.

Đầu tiên, cần tăng cường kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh cho học sinh. Đây là kỹ năng sống rất quan trọng. Nhiều em rất ngần ngại khi cần phải thông tin, cần phải trao đổi và lúng túng trong giải quyết tình huống, đó là do các em còn thiếu kỹ năng sống.

Thứ hai, đối với đối tượng là giáo viên chủ nhiệm, Bộ cũng đang tăng cường tập huấn về mặt kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh do giáo viên phụ trách. Ngoài ra, tới đây sẽ có thêm một vị trí chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường. Với nguồn nhân lực của ngành đào tạo trong các trường sư phạm 1 năm khoảng gần 9.000 nhân lực và đào tạo tăng cường thì số vị trí này có thể đáp ứng được.

dsc_1440.jpg
Cần có giải pháp hữu hiệu để giáo dục, ngăn chạn nạn bạo lực học đường. Ảnh: N.Lộc

Bên cạnh đó, bộ phận giáo vụ trong nhà trường cũng sẽ hỗ trợ thêm giúp ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.

Cùng với đó, thông qua các hoạt động tập thể, đoàn đội... cũng sẽ giúp tăng cường thêm nhiều hoạt động tích cực, giảm hoạt động tiêu cực trong học đường. 

Ngoài ra, việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh; kỹ năng xử lý vấn đề liên quan đến bạo lực học đường của phụ huynh cũng phải tăng cường để cùng hỗ trợ giải quyết tình trạng này. 

Hơn hết và bao trùm nhất, chúng ta cần phải tiến hành triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu quan trọng là phát triển con người, nâng cao phẩm chất, nhân cách đạo đức... Xử lý tốt việc này sẽ giúp tạo nền tảng, gốc rễ để chúng ta có thể triển khai giải quyết tận gốc những vấn đề về bạo lực học đường.

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Trước tình trạng trường học thiếu giáo viên khá nan giải hiện nay, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần có giải pháp đồng bộ. Việc thiếu giáo viên thường xảy ra ở bậc mầm non và tiểu học, ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bộ trưởng cho rằng, dù 5 năm qua, chúng ta đã sắp xếp, dồn được nhiều điểm trường, tuy nhiên, công tác dồn dịch điểm trường này cần được tiếp tục thực hiện ở nhiều khu vực.

Với việc giảm biên chế 10%, qua trao đổi với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, Bộ trưởng đề nghị tỷ lệ này không nên đặt ra một cách cào bằng, máy móc, giống nhau ở các địa phương mà cần có cơ chế linh động sao cho phù hợp.

Theo đó, đối với những vùng có điều kiện kinh tế khá hơn, có khả năng xã hội hóa tốt hơn, cần có giải pháp chia sẻ với các tỉnh miền núi và khó khăn trong vấn đề biên chế giáo viên. 

Ngoài ra, cần có những giải pháp về nguồn tuyển để khi các tỉnh miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tiến hành tuyển thì sẽ sẵn có nguồn ứng tuyển.

N.LỘC