Đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện sẽ gây phát sinh chi phí

Pháp luật - Ngày đăng : 22:13, 09/11/2023

(BKTO) - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành quy định về đổi tên gọi Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện.

Chiều 09/11, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Dự án Luật này.

chanh-an.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình Dự án Luật  Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, để hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, Dự thảo Luật quy định tổ chức Toà án nhân dân (TAND) phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, quy định này phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Tòa án của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phù hợp với quy định của Hiến pháp “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này cũng phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án.

“Thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định này trong Dự thảo Luật.

Theo cơ quan thẩm tra, việc “đổi tên gọi” chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi nội dung; các Tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền xét xử.

Việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương; phải sửa đổi nhiều luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ. Do đó, đề nghị giữ tên gọi của các Tòa án này như Luật hiện hành đang quy định - bà Nga nêu rõ.

Cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính tương thích trong hệ thống pháp luật

Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, thảo luận tại Tổ về nội dung này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) phân tích, Tờ trình của TAND tối cao giải thích việc đỏi tên gọi là “để bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” là chưa phù hợp; bởi việc tòa án xét xử bảo đảm tính độc lập và thẩm quyền trong xét xử đã được quy định rất cụ thể. Đại biểu đề nghị giữ tên gọi theo quy định của Luật hiện hành.

to-10.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật  Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị, cần xem xét kỹ lưỡng, thật trọng quy định này. Theo đại biểu, mặc dù đổi mới này mang tính chuyên nghiệp, hiện đại hơn, đi vào trọng tâm những nội dung mà toà xét xử vụ việc; nhưng việc thay đổi này chưa bảo đảm tính tương đồng giữa các cơ quan tư pháp, như công an, viện kiểm sát nhân dân… Việc đổi tên cũng chưa phù hợp với tính chất, nội hàm của các cơ quan trong thẩm quyền xét xử.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) băn khoăn, việc sửa đổi này kéo theo phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp, như: Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An), thực tiễn cho thấy mô hình Toà án 4 cấp hiện nay phát huy hiệu quả rất tốt, bảo đảm tính độc lập trong xét xử và chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Nếu mô hình tòa án thay đổi theo như Dự thảo Luật sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ hệ thống của các cơ quan tiến hành tố tụng để tương ứng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, nếu quy định như Dự thảo thì tất cả án sơ thẩm phát sinh sẽ do Tòa án sơ thẩm giải quyết, nguồn nhân lực sẽ tập trung về cấp sơ thẩm. Tòa án sẽ phải xây dựng thêm hoặc xây dựng mới trụ sở Tòa án sơ thẩm, sẽ tiêu tốn không ít ngân sách nhà nước - đại biểu nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng và lý giải đầy đủ để đại biểu Quốc hội hiểu rõ; bảo đảm tính tương thích và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trong tố tụng và trong tư pháp. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ ưu điểm, nhược điểm từng phương án, lợi ích mang lại để đại biểu Quốc hội quyết định. “Nếu đổi tên các tòa án cấp tỉnh và cấp huyện thì cũng phải đổi tên con dấu, biển hiệu, các loại mẫu văn bản, giấy tờ dẫn đến phát sinh rất nhiều chi phí” - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đ. KHOA