Tăng cường tuyên truyền, đưa pháp luật về kiểm toán vào cuộc sống
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:54, 13/11/2023
Kiểm toán trưởng Trần Văn Hảo cùng toàn thể công chức, người lao động đơn vị tham gia Hội nghị.
Trong khuôn khổ chương trình, công chức, người lao động đơn vị được quán triệt, phổ biến các nội dung: Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN
Bà Lê Thị Huyền (Vụ Pháp chế) - Báo cáo viên tại Hội nghị cho biết, Pháp lệnh đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 10/3/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.
Trên cơ sở Pháp lệnh, ngày 02/6/2023, KTNN ban hành Quyết định 811/QĐ-KTNN hướng dẫn về thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Hướng dẫn có nêu rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc xác định mức phạt tiền, những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, những hành vi bị cấm và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN. Đặc biệt, Hướng dẫn cũng liệt kê các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN…
Trong đó, Báo cáo viên cũng lưu ý đối với thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Cụ thể, tại Điều 21, 22 và 23 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 811/QĐ-KTNN ngày 02/6/2023 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN quy định tại Điều 16 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 bao gồm: Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng.
Đối với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được mở rộng đến: Kiểm toán viên nhà nước; Tổ trưởng tổ kiểm toán; Phó trưởng đoàn kiểm toán; Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng...
“Hướng dẫn đã thể hiện một cách tương đối cụ thể, chi tiết các yêu cầu, nội dung để đưa Pháp lệnh vào vào cuộc sống thuận lợi” – bà Huyền cho biết.
Đảm bảo điều chỉnh các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua kiểm toán
Đối với Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, đây là Quy trình kiểm toán được thực hiện tương đối đặc biệt, không theo thông lệ xây dựng văn bản chung của Ngành.
Đề cập cụ thể về sự cần thiết phải xây dựng Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Báo cáo viên cho biết, khoản 1 Điều 62 về Trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nêu rõ:
"Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.”
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng có nhiều quy định thể hiện rõ chức năng, thẩm quyền của KTNN đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng…
Theo đó, “để triển khai thực hiện các luật trên, tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn thực hiện kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật, tăng cường trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, việc xây dựng “Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng” là cần thiết” - bà Huyền nhấn mạnh.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, sau thời gian dài xây dựng, lấy ý kiến, Quy trình được hoàn thành, ban hành và bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật KTNN năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019; Quy trình kiểm toán của KTNN; Chuẩn mực KTNN và các quy định của pháp luật có liên quan.
Về kết cấu, Quy trình gồm 4 Chương, 18 Điều và 01 Phụ lục kèm theo. Chương I. Những Quy định chung gồm 8 Điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng gồm 03 Điều (từ Điều 9 đến Điều 11); Chương III. Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng gồm 05 Điều (từ Điều 12 đến Điều 16) và Chương IV. Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng gồm 02 Điều (Điều 17 và Điều 18).
Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
Cụ thể, Quy trình quy định rõ việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng phát hiện trong quá trình kiểm toán được thực hiện theo 03 bước gồm: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Để bao quát hết các quy định của pháp luật, Quy trình cũng quy định 01 điều (Điều 6) để quy định về các trường hợp kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của KTNN (vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán).
"Trong quá trình thực hiện kiểm toán theo quy trình kiểm toán của KTNN mà phát hiện các bằng chứng nghi ngờ dấu hiệu tham nhũng thì thực hiện các bước tiếp theo theo Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng" - bà Huyền nêu.
Theo Báo cáo viên, các công chức, kiểm toán viên trước khi tham gia cuộc kiểm toán có trách nhiệm hiểu rõ, đầy đủ các quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, từ đó hạn chế tối đa các rủi ro, vướng mắc gặp phải khi triển khai kiểm toán, cũng như giúp cuộc kiểm toán đạt được mục tiêu, kết quả cao nhất.