Bổ sung quy định về phí, lệ phí đăng ký, duy trì sử dụng số hiệu mạng

Pháp luật - Ngày đăng : 20:47, 14/11/2023

(BKTO) - Bổ sung quy định thu phí, lệ phí đăng ký sử dụng và duy trì sử dụng số hiệu mạng là một nội dung mới trong Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 14/11, trước khi trình Quốc hội thông qua trong Đợt 2, Kỳ họp thứ 6.
ctqh-dieu-hanh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. Ảnh: VPQH

Tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến quy định về tài nguyên viễn thông (Chương VI), có ý kiến đề nghị làm rõ việc các tổ chức quốc tế, khu vực hiện nay thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam không? Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không? Nếu có, đề nghị đánh giá tác động bổ sung.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) nêu rõ, hiện Luật Phí và lệ phí chưa quy định về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng; vì từ trước đến nay, tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) không thực hiện việc thu phí số hiệu mạng.

Tuy nhiên, APNIC vừa thông báo kế hoạch điều chỉnh các khoản thu đối với tài nguyên Internet; theo đó, sẽ thực hiện thu phí số hiệu mạng từ ngày 01/01/2025. Chính sách của APNIC sẽ miễn phí đối với 02 số hiệu mạng đầu tiên, từ số hiệu mạng thứ 3 trở đi sẽ phải đóng phí đăng ký 500 đô la Úc/01 số hiệu mạng và phí duy trì là 100 đô la Úc/01 năm.

Qua rà soát cho thấy, tính đến tháng 10/2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 04 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của APNIC.

Do đó, việc bổ sung quy định thu phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của tổ chức quốc tế, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động mạng, dịch vụ Internet.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, đây là nội dung mới so với Dự thảo Luật do Chính phủ trình, phát sinh nghĩa vụ tài chính (mặc dù mức thu theo quy định của APNIC là không lớn, số lượng các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng từ 03 số hiệu mạng trở lên là rất ít), nên Thường trực Ủy ban đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Ủy ban Pháp luật; Bộ Tài chính và một số doanh nghiệp viễn thông nhằm xem xét việc quy định bổ sung về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng tại Dự thảo Luật; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tác động.

Qua nghiên cứu, xem xét báo cáo đánh giá tác động của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, đây là nghĩa vụ bắt buộc, thực hiện theo thông lệ, quy định quốc tế. Nếu Việt Nam không có quy định về phí, lệ phí cho số hiệu mạng, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều số hiệu mạng sẽ gặp khó khăn trong việc đăng ký, sử dụng số hiệu mạng và ảnh hưởng đến hoạt động mạng, dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian tới - ông Lê Quang Huy nêu rõ.

Do đó, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng có cơ sở để xem xét việc quy định bổ sung về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng; đã bổ sung, chỉnh lý nội dung này và thể hiện tại điểm d khoản 9 Điều 50 và khoản 4, khoản 5 Điều 71 Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức và báo cáo UBTVQH về nội dung này dựa trên cơ sở đánh giá tác động đầy đủ.

Rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích giữa các luật

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, trong Danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật Phí là Lệ phí chưa có quy định về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng. Do vậy, để thực hiện theo quy định của APNIC cần đưa nội dung này vào Luật Viễn thông (sửa đổi) và bổ sung vào Luật Phí và lệ phí.

141120230224-thu-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-pham-duc-long-1-.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Số hiệu mạng sẽ được tổ chức APNIC cung cấp cho Bộ Thông tin và Truyền thông, sau đó Bộ sẽ cấp lại cho các nhà mạng. Như vậy, việc thu phí này sẽ được thực hiện thông qua cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo vấn đề này với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Phó Thủ tướng cũng đã kết luận thống nhất với đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật nội dung này; đồng thời, bổ sung hiệu lực áp dụng quy định này từ 01/01/2025 để đồng bộ với thời gian thu phí của APNIC.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính thống nhất với nội dung này như báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT cũng như giải trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về việc hướng dẫn, quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến phí, lệ phí này, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, trong Luật Phí và lệ phí đã quy định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm ra văn bản hướng dẫn các nội dung liên quan đến phí, lệ phí trong nội dung này.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và Thường trực Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội làm rõ thêm phí này là thu hộ APNIC hay thu nộp vào ngân sách?

Theo ông Tùng, nếu thu hộ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí. Nếu Luật Viễn thông quy định thực hiện đúng cam kết quốc tế khi chúng ta sử dụng kho số tài nguyên được phân bổ, chứ không phải nộp ngân sách thì không cần sửa trong Luật Phí và lệ phí.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát để đảm bảo tương thích giữa Luật Viễn thông với Luật Phí và lệ phí và Luật Quản lý thuế; nghiên cứu quy định trong luật nào cho phù hợp, tránh xung đột luật này hay luật kia.

Đ. KHOA