Việt Nam đề xuất 3 ưu tiên hợp tác trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:07, 15/11/2023
Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC; lãnh đạo các tổ chức quan sát viên. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Công Thương đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình hợp tác APEC trong năm 2023, đặc biệt là tiến độ triển khai các mục tiêu và kế hoạch hợp tác được thông qua tại Tầm nhìn APEC Putrajaya đến năm 2040. Hội nghị cũng thảo luận các biện pháp hướng đến 2 mục tiêu quan trọng của APEC là tăng trưởng bền vững, bao trùm và xây dựng khu vực tự cường, kết nối.
Theo đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); nâng cao năng lực của các thành viên trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết các điểm nghẽn nhằm củng cố các chuỗi cung ứng an toàn, tự cường, bền vững và mở.
Hội nghị cũng nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác trong việc xây dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch và bao trùm; bảo đảm tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho mọi người dân. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và việc làm bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Với tinh thần đó, các Bộ trưởng nhất trí thông qua Các khuyến nghị về cải cách cơ cấu APEC; kêu gọi các thành viên đẩy nhanh triển khai các cam kết của APEC, nhất là Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2030, Lộ trình về kinh tế số/kinh tế internet, Khuôn khổ và Kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai, Lộ trình chống khai thác và đánh bắt cá trái phép, không khai báo…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác APEC trong năm 2023. Nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao sức cạnh tranh và tính tự cường của các nền kinh tế, ứng phó với thách thức về biến đổi khí hậu và suy giảm tăng trưởng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề xuất 3 ưu tiên hợp tác trong APEC thời gian tới.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các thành viên APEC cần đẩy nhanh những chương trình hợp tác về thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, mô hình kinh tế xanh - sinh học - tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi năng lượng công bằng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm. Hợp tác APEC phải hướng đến việc hỗ trợ các nền kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng và lực lượng lao động số, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phòng chống thiên tai, y tế, giáo dục.
Thứ ba, lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC. Các dự án và hoạt động của APEC cần góp phần xây dựng hệ thống giáo dục và y tế công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế - xã hội.
Phát biểu của đoàn Việt Nam được các thành viên chia sẻ, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện và Tuyên bố của Hội nghị./.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 34 là hoạt động quan trọng trong Tuần lễ cấp cao APEC năm 2023, nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị các Nhà lãnh đạo APEC lần thứ 30 sẽ diễn ra trong các ngày 16 - 17/11.