Thị trường bất động sản đang “ấm” lên
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 16/11/2023
Xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi
Dữ liệu mới nhất của cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu về thị trường BĐS cho thấy, sau đà suy giảm về nguồn cung và nguồn cầu suốt nửa đầu năm 2023, đến cuối quý III, thị trường BĐS đã xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực.
Cụ thể, về nguồn cung nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III, nguồn cung nhà ở có sự tăng trưởng rõ rệt. Theo đó, cả nước có 21 dự án hoàn thành, tăng 300% so với quý II; có 863 dự án đang triển khai xây dựng, tăng 106,9% so với quý trước; có 15 dự án được cấp phép mới bằng so với quý II và có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, tăng 132,28% so với quý II.
Về lượng giao dịch, số liệu tổng hợp của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy lượng giao dịch BĐS trên toàn thị trường đã tăng dần. Cụ thể, nếu quý II, toàn thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch thành công, tăng 1.000 giao dịch so với quý I, thì sang quý III, toàn thị trường ghi nhận có gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và gấp hơn 2 lần so với quý I.
Bình luận về những điểm sáng của thị trường BĐS, bà Phạm Thị Miền - Phó Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư BĐS, VARS - cho rằng, những kết quả tích cực trên có được là nhờ những động thái quyết liệt của Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) và thị trường BĐS. Từ đầu năm đến nay đã có gần 20 chỉ thị, công điện, văn bản dưới luật liên quan được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục, dồn dập, với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tế của thị trường và DN. Đặc biệt, thông tin về hàng trăm dự án được tháo gỡ, tái khởi động trở lại góp phần tạo nên niềm tin cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia, giúp thị trường quý sau tốt hơn quý trước. Tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh” - bà Miền nhấn mạnh.
Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải coi việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Liên quan đến công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng - cho biết, thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, DN đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như hướng dẫn các địa phương thực hiện. Kết quả là hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết được 67 dự án, tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án vướng mắc ban đầu. Tại Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án vướng mắc ban đầu; đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án. Tại nhiều địa phương khác như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận… Tổ công tác và cơ quan chức năng của địa phương cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Cần tiếp tục gỡ nút thắt về pháp lý
Các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại và có thể vượt qua giai đoạn trầm lắng diễn ra đã hơn một năm nay, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu, còn thị trường hồi phục mức độ nào, có bền vững hay không… còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà vấn đề chính sách, pháp luật đóng vai trò then chốt.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề pháp lý, theo GS,TS. Nguyễn Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, hiện nay, nguồn cung BĐS đang khan hiếm, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở thương mại có giá trung bình. Tuy nhiên, số dự án BĐS mới được khởi công không nhiều, chủ yếu là không đủ điều kiện pháp lý để khởi công do vướng mắc tại khâu định giá đất, xác định nghĩa vụ tài chính hoặc phương thức, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Do đó, giải pháp cấp bách quan trọng là cần khơi thông điểm nghẽn này thông qua việc kịp thời giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án để bổ sung nguồn cung mới ra thị trường. “Nếu vướng mắc của dự án thuộc thẩm quyền xử lý của các cấp chính quyền tại địa phương thì cần mạnh dạn đưa ra phương án quyết định trong khuôn khổ pháp lý hiện có, kể cả có liên quan đến định giá đất, xác định nghĩa vụ tài chính của các bên, xác định phương thức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất…” - ông Cường nhấn mạnh.
Song song với vấn đề gỡ rào cản pháp lý, các chuyên gia cũng cho rằng, để góp phần giảm bớt khó khăn cho DN BĐS, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, rà soát lại các quy trình, thủ tục để xem xét cắt bỏ thêm những thủ tục không cần thiết hoặc lồng ghép các thủ tục vào nhau, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, về phía DN, PGS,TS. Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - cho rằng, các DN BĐS cần chủ động tái cấu trúc, rà soát các sản phẩm phù hợp với thị trường và người mua nhà ở thực; sẵn sàng bán, nhượng lại, thậm chí chấp nhận giảm giá những dự án không phù hợp với năng lực tài chính của DN, không phù hợp với nhu cầu của số đông khách hàng để tìm kiếm dòng tiền vào. Đồng thời, cần chủ động kiểm soát tài chính để có bước đi phù hợp, nâng cao năng lực quản trị rủi ro./.