Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Ba năm không đạt chỉ tiêu

Kinh tế - Ngày đăng : 14:51, 16/11/2023

(BKTO) - Ước tính 2023 là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu. Chính phủ và các Bộ, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng này. Đồng thời, Quốc hội cũng điều chỉnh chỉ tiêu này cho năm 2024 chỉ còn 4,8-5,3% trong khi đó, chỉ tiêu này của năm 2023 là 5-6%.
13-.jpg
Dự kiến năm 2024, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%. Ảnh: ST

3 năm liên tiếp không đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu này không đạt mục tiêu. Cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8%; năm 2022 đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,2%; năm 2023 ước đạt 3,8-4,8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%.

Không chỉ trăn trở về việc chỉ tiêu này không đạt kế hoạch, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) còn cho rằng, điều đáng quan tâm hơn nữa, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 2016-2020 là 6,26%. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Muốn đạt được tốc độ tăng năng suất cao hơn cần cải thiện chất lượng của lực lượng lao động, trong đó có nguồn lao động trẻ. Cần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng kỹ năng, đạo đức kinh doanh, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, đào tạo phải “học đi đôi với hành”. Có như vậy mới bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp), nếu năm 2023, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4,76% thì bình quân 3 năm 2021-2023 tốc độ này sẽ vào khoảng 4,68%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 là trên 6,5%. Để đạt mục tiêu kế hoạch 2021-2025, 2 năm còn lại (2024 và 2025) phải đạt bình quân từ 8 đến 8,5% mỗi năm và đây là một thách thức rất lớn. Kế hoạch năm 2024, Chính phủ cũng chỉ đặt mục tiêu dự kiến tăng năng suất lao động xã hội ở mức từ 4,8-5,3%. Điều đó cho thấy, nếu không có những đột phá căn bản, thì chỉ tiêu này của cả nhiệm kỳ 2021-2025 khó có thể thực hiện được.

Làm rõ những nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năng suất lao động chưa đạt do mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi, chậm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực; khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, riêng năm 2023 còn có lý do là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với mục tiêu, sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn, một bộ phận lao động di chuyển...

Kỳ vọng…

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 01/11/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, để nâng cao năng suất lao động, ngoài công tác quản lý nhà nước có 4 vấn đề quan trọng, đó là: Công nghệ đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động; vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao để xây dựng nền tảng sản xuất và chế biến; nguồn nhân lực chất lượng cao; năng suất lao động cao. Bộ sẽ tập trung vào 5 giải pháp căn bản: Nâng cao nhận thức về việc học ra trường phải có nghề, có thu nhập và được học liên thông nếu có nhu cầu; sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới; chuyển đổi cơ cấu lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở; kết nối doanh nghiệp đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành 1 trường nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đã lên kế hoạch triển khai đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn. Dự kiến năm 2024, ngành sẽ tuyển sinh hơn 1.000 nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn. Các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển khoảng 7.000 nhân lực và sẽ tăng dần số lượng từ 20-30% mỗi năm. Tuy nhiên, ngành vi mạch, bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao, cần có sự đầu tư rất lớn từ các cấp chứ không thể tay không bắt “Chip” được.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, ngày 08/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững… Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm. Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5-7%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7-7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7-7,5%/năm…/.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân là 4,8-5,3% (chỉ tiêu này của năm 2023 là 5-6%). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, lao động và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục diễn ra sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm do một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi. Do đó, dự kiến mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2024 khoảng 4,8-5,3% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và dự báo về tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động.

MINH ANH