Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế một cách căn cơ

Xã hội - Ngày đăng : 15:05, 16/11/2023

(BKTO) - Thời gian tới, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội (BHYT) một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả.
001.jpg
Thanh toán BHYT khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh; tình trạng quá tải bệnh viện chưa được khắc phục hiệu quả. Ảnh: TTXVN

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được Đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước quan tâm liên quan đến vấn đề giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ.

Vào viện phải mua thuốc ngoài, thanh toán bảo hiểm y tế khó khăn

Làm rõ thêm các vấn đề nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, tại một số cơ sở y tế công lập đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; vào bệnh viện phải mua thuốc ngoài, thanh toán BHYT khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh; tình trạng quá tải bệnh viện chưa được khắc phục hiệu quả.

Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; các bất cập trong quy định về đăng ký, đấu thầu, mua sắm. Trong đó, tồn đọng hàng chục nghìn giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực nhưng chưa được gia hạn kịp thời, đồng thời chưa cập nhật để bảo đảm phù hợp với sự thay đổi trong quy định của một số nước xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Bên cạnh đó, còn có tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế; đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh còn hạn hẹp...

“Với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân là trên hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán BHYT” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết, đến nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến. Cụ thể, đã có trên 25.000 thuốc được gia hạn đăng ký lưu hành, cơ bản giải quyết được yêu cầu về đăng ký lưu hành thuốc; trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.

“Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại Phiên chất vấn, Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn Khánh Hòa) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý kiến hoàn trả lại các khoản người dân phải tự mua thuốc, vật tư khi khám, chữa bệnh BHYT?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về vấn đề bệnh nhân mua thuốc ngoài có được thanh toán BHYT hay không, thì về nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.

“Quá trình phòng chống dịch Covid-19 đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc. Thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu và thống nhất quan điểm quyền lợi của bệnh nhân, người tham gia BHYT phải được đảm bảo và đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ.

“Liên quan đến vấn đề cơ chế để thanh toán tiền cho người bệnh, Bộ Y tế đã giao Vụ BHYT xây dựng Thông tư và hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT”

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp như: Yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, các quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác KCB; đề xuất các cơ chế để có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở KCB khi các kết quả thầu còn hiệu lực; rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024 sẽ bổ sung thêm danh mục thuốc này, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

1(1).jpg
Thời gian tới, Chính phủ tập trung trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Dược, Luật BHYT và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế. Ảnh: ST

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng bảo đảm quyền lợi của người tham gia

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Dược, Luật BHYT và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và BHYT một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Dược theo hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả những hạn chế, bất cập về cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, công nhận các điều kiện, tiêu chuẩn của nước ngoài; quản lý việc kê khai, kê khai lại giá thuốc, mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế, đặc biệt trong các điều kiện xảy ra tình trạng khẩn cấp.

Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT theo hướng bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và cung ứng thuốc trong danh mục BHYT, bảo đảm giải quyết ngay các bất cập về giá thuốc, chất lượng thuốc và cung ứng thuốc BHYT.

Xây dựng Luật Trang thiết bị y tế theo hướng giải quyết những bất cập về các quy trình, thủ tục liên quan, bảo đảm đơn giản, thuận tiện, công khai minh bạch; quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả và cung ứng trang thiết bị y tế, trong đó có vấn đề đăng ký lưu hành, thủ tục mua sắm, xác định giá, thông tin, hướng dẫn về các loại trang thiết bị, công nghệ mới về y tế, bảo đảm tăng năng lực tiếp cận, kịp thời đưa vào phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh; kiên quyết không để tình trạng thuốc, trang thiết bị y tế kém chất lượng.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch; thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế.

Ngoài ra, tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm sự quá tải ở bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB; chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế./.

HỒNG NHUNG