Hưng Yên nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP
Địa phương - Ngày đăng : 18:19, 17/11/2023
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hưng Yên triển khai từ năm 2018. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất (chủ thể sản xuất) xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, định hướng phát triển, nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm; tạo động lực cho chủ thể sản xuất tích cực tham gia, phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, tăng thành viên, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, Chương trình OCOP còn góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống. Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đang từng bước được triển khai thực hiện tại một số địa phương, góp phần tạo sinh kế bền vững hơn cho người dân.
Đến nay, tỉnh đã tổ chức đánh giá, xếp hạng và công nhận cho 250 sản phẩm OCOP của 95 chủ thể. Trong đó, 204 sản phẩm đạt 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao (trong đó 1 sản phẩm đề xuất tiềm năng 5 sao).
Các sản phẩm được công nhận đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh.
Nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận như nhãn lồng Hưng Yên, nghệ Chí Tân (Khoái Châu), chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên, long nhãn Hưng Yên.
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã khẳng định vị thế trên thị trường, tạo điều kiện cho các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Qua đánh giá, khoảng 60% số chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên, với giá bán tăng bình quân khoảng 12%, doanh thu bình quân tăng khoảng 16%/năm; thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Thời gian qua, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề; xây dựng và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu ngành, quản lý thủy sản, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả.
Các cơ chế, chính sách đặc thù cho quá trình quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đã tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo về chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, sản phẩm OCOP được công nhận còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và năng lực của các chủ thể sản xuất; bao bì, nhãn mác sản phẩm bước đầu có tiến bộ nhưng còn hạn chế, nhiều sản phẩm còn ở dạng tươi sống, sản phẩm chế biến, tinh chế còn ít.
Nhằm nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP, tỉnh đã và đang triển khai một số giải pháp như tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xây dựng thương hiệu, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý sản phẩm OCOP; tăng cường xây dựng, quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội; phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn; thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./.