Phấn đấu mỗi cơ sở sản xuất nông sản OCOP trở thành một "doanh nông"
Kinh tế - Ngày đăng : 18:23, 17/11/2023
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay, trên cả nước đã có hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP. Tham gia vào Chương trình này, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn.
Đặc biệt, chương trình đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như những “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Tiêu biểu như những câu chuyện về sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao của vùng núi Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở sen hồng Đồng Tháp...
Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Hơn nữa, Chương trình đã ghi đậm thêm dấu ấn trong việc bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống.
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có sẵn nguồn sản phẩm phong phú, nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cho đến nay vẫn khá bấp bênh. Nhiều sản phẩm khó khăn về đầu ra, rơi vào tình trạng được mùa mất giá, nhất là các mặt hàng nông sản.
Trong khi đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn nhiều khó khăn khi nhiều chủ thể chỉ là các hợp tác xã nhỏ, hạn chế cả về nguồn vốn, kinh nghiệm và nguồn nhân lực…
Chia sẻ giải pháp về tăng cường xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trước hết, các chủ thể sản xuất ra sản phẩm OCOP phải hình thành được điểm khác biệt của mình so với các sản phẩm cùng chủng loại.
Bởi nếu làm sản phẩm đại trà thì sẽ không có lợi thế về giá, phải bán giá thấp để cạnh tranh. Nhưng nếu làm sản phẩm ở quy mô nhỏ nhưng có sự khác biệt, độc đáo riêng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh và giá bán sản phẩm cũng tốt hơn.
Thứ hai, theo ông Tiến, là vấn đề mẫu mã, bao bì. Sau khi Nhà nước dừng hỗ trợ thì cơ sở sản xuất có nỗ lực để duy trì tính bền vững, có đủ quyết tâm để theo đuổi hay không.
Thứ ba là về nhận thức và thay đổi của chủ cơ sở sản xuất, không nên tư duy “Năm nay bán tốt thì việc gì phải thay đổi. Thị trường này bán tốt thì việc gì phải tìm thị trường khác”. Bởi năm nay bán tốt thì chưa chắc sang năm đã bán tốt; thị trường này đang tiêu thụ tốt nhưng sang năm có đối thủ cạnh tranh khác cung ứng sản phẩm tốt hơn, hấp dẫn hơn thì rất dễ để mất thị trường - ông Tiến nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn mỗi chủ cơ sở sản xuất phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ phía khách hàng.
Đồng thời, mỗi cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp phải phấn đấu trở thành một “doanh nông” - xác định bán sản phẩm nào, trên kênh nào, tại thị trường nào… để có thể đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất cho cơ sở của mình.
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã phối hợp với TikTok nhằm đồng hành cùng các địa phương, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP phát triển việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước, đặc biệt là để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp