Thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính và giao dịch hồ sơ điện tử lĩnh vực bảo hiểm

Xã hội - Ngày đăng : 15:52, 17/11/2023

(BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hà Nội tiến hành triển khai thực hiện thống nhất toàn Thành phố 52/63 thủ tục hành chính mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành BHXH và 13/63 thủ tục hành chính mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
3.jpg

Đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử

Thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố cũng như bám sát chỉ đạo của UBND Thành phố, BHXH Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai một cách nghiêm túc, đầy đủ và đồng bộ các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đến nay, đối với 25 bộ thủ tục hành chính do BHXH Việt Nam ban hành, BHXH Thành phố đã triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả.

BHXH Thành phố thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị BHXH Việt Nam sửa đổi những thủ tục hành chính không phù hợp theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các tổ chức, doanh nghiệp và người lao động. Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp.

Việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo 03 hình thức: giao dịch trực tiếp tại bộ phận “Một cửa” cơ quan BHXH, giao dịch hồ sơ điện tử và giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; thường xuyên thực hiện truy cập, tra cứu, xử lý kịp thời những phản ánh kiến nghị về chính sách BHXH, BHYT trên hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Cùng với đó, BHXH Thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Việc thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả tốt, từ việc thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đã tiết giảm được chi phí hành chính cho các đơn vị sử dụng lao động như chi phí đi lại để nộp và nhận hồ sơ, chi phí giấy tờ... và cũng tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức cơ quan BHXH tập trung vào công tác chuyên môn giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn.

Đến nay, có trên 99,32% đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Trong công tác tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính, BHXH Thành phố đã phối hợp với Bưu điện xây dựng kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “một cửa điện tử” của BHXH Thành phố. Lượng hồ sơ nhận và gửi tăng nhanh, việc tiếp nhận và quyết toán giữa BHXH Thành phố với Bưu điện đảm bảo nhanh chóng và thuận tiện.

Bên cạnh đó, BHXH Thành phố cũng tiến hành triển khai thực hiện thống nhất toàn Thành phố 52/63 thủ tục hành chính mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của Ngành BHXH và 13/63 thủ tục hành chính mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Cải tiến dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

BHXH Thành phố phân công cán bộ, viên chức phụ trách, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, đồng thời chủ động phối hợp với các trường học đưa nội dung để các giáo viên hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh cài ứng dụng VssID tại các buổi học trực tuyến. Đến nay, toàn Thành phố có 4.057.387 người đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và được cấp tài khoản sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

BHXH Thành phố đã phối hợp với các Sở, ngành thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 24.638 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, thời gian tới, BHXH Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06; hoàn thiện quy định, đảm bảo an toàn thông tin; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động trong thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số;

Kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao trình độ, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nhân sự thực hiện Đề án 06; tăng cường cải cách hành chính, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục, tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực của cơ quan BHXH, Thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, chung tay xây dựng ngành BHXH Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số./.

THÙY LÊ