Hoạt động giám sát mang lại nhiều chuyển biến, góp phần kiến tạo phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 10:16, 18/11/2023

(BKTO) - Khẳng định những kết quả, đóng góp nổi bật từ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, chú trọng theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các kết luận giám sát…

hn-giam-sat.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc qua giám sát

Phát biểu bế mạc Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác giám sát đã được xác định là nội dung trọng tâm và then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

“Công tác giám sát liên quan trực tiếp đến cả vấn đề xây dựng pháp luật và các quyết định quan trọng quốc gia của Quốc hội. Làm tốt công tác giám sát cũng sẽ tạo điều kiện để Quốc hội làm tốt chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Điểm lại những nét đổi mới và kết quả nổi bật trong công tác giám sát năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là điểm sáng. Hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và hai chuyên đề giám sát của UBTVQH đã được triển khai một cách nghiêm túc; hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết giám sát chuyên đề được tăng cường.

ctqh17.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VPQH

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu như trước đây, hầu hết là giám sát theo kiểu hậu kiểm thì trong nhiệm kỳ này và trong năm 2023 vừa qua, Quốc hội đã chọn giám sát những nội dung đang trong quá trình điều hành, tổ chức thực hiện.

Điển hình như trong năm 2022 Quốc hội giám sát về công tác quy hoạch. Qua giám sát, Quốc hội đã ban hành được Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Qua đó gần như tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc, các tồn đọng, các bất cập về công tác quy hoạch và giải quyết cả những “khoảng trống” pháp lý. Do đó, công tác quy hoạch được đẩy mạnh hơn rất nhiều.

Trong năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Với mục tiêu đề ra, ngay khi đặt vấn đề giám sát đã có chuyển biến, đến khi tiến hành giám sát tạo chuyển biến lớn; cùng với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai.

Qua các hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Phó Thủ tướng  Chính phủ Trần Lưu Quang

Năm 2023, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực và hiệu quả. Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần giải đáp những vấn đề đặt ra liên quan đến thể chế, chính sách từ luật, nghị định, thông tư, các văn bản của các Bộ, các ngành và quá trình tổ chức thực thi. Đây là một dữ liệu đầu vào quan trọng để tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, các đại biểu đánh giá cao trong công tác giám sát, luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội, UBTVQH với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ. Sự phối hợp trên - dưới, dọc - ngang, không chỉ ở Trung ương mà ở cả địa phương trong quá trình tổ chức giám sát đã thực hiện khá tốt.

Công tác phối hợp trong giám sát rất linh động và sáng tạo khi một số cơ quan đóng hai vai khi vừa là đối tượng giám sát nhưng cũng cung cấp nhiều thông tin, dữ liệu cho Đoàn giám sát như trong giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay giám sát về các chương trình mục tiêu quốc gia thì các cơ quan như Kiểm toán nhà nước vừa là đối tượng giám sát lại vừa có thành viên trong Đoàn giám sát và cung cấp thông tin dữ liệu cho các Đoàn giám sát.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc đánh giá cao việc các đoàn giám sát đã có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan như KTNN, các chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành. Đặc biệt, Quốc hội, UBTVQH đã vận dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các năm trước có liên quan đến các chuyên đề giám sát.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, sự quyết liệt, chuyên nghiệp, chất lượng hiệu quả từ các chương trình giám sát của Quốc hội đã lan tỏa, tạo động lực hướng dẫn hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Trong đó, Hà Nội luôn chú trọng học tập trong để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của Luật và tình hình thực tiễn của Thành phố, giám sát sâu, đi tận cùng vấn đề.

Làm rõ trách nhiệm, chú trọng hậu giám sát

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các ban, ngành, địa phương cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

tuan.jpg
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày tham luận tại Hội  nghị. Ảnh: VPQH

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp; đẩy mạnh công khai thông tin liên quan đến báo cáo kết quả kiểm toán, thanh tra của các cơ quan liên quan nhằm cung cấp thông tin xác thực, đầy đủ, tránh chồng chéo, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát…

Nhấn mạnh việc chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đề nghị, các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở lĩnh vực phụ trách phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện, các kết luận giám sát, chất vấn, giải trình đều phải được thực hiện và đôn đốc đến cùng kết quả giải quyết.

"Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện kéo dài thì đề nghị có chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc" - đại biểu Ma Thị Thuý nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị UBTVQH chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội để chuyển đến các Bộ, ngành hữu quan xem xét giải quyết, có ý kiến trả lời cho địa phương.

Đồng thời, cần tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.

Đồng tình với đánh giá của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo kết quả giám sát cần cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, cơ quan có liên quan. Bởi đây là cơ sở để theo dõi diễn biến; nếu có những chuyển biến tốt hơn thì kịp thời động viên, khen thưởng, tạo động lực cho các bên thực hiện nhiệm vụ, cũng là nhằm kiến tạo phát triển.

Đ. KHOA