Giám sát đến cùng, nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri

Chính trị - Ngày đăng : 14:53, 20/11/2023

(BKTO) - Trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm, chưa đúng thẩm quyền; phần trả lời chưa sát, chưa đúng, còn chung chung… Đây là những vấn đề tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả giải quyết những vướng mắc, bức xúc của cử tri.

Sáng 20/11, bắt đầu Đợt 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

toan-canh20.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình, đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri. Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của Quốc hội, sự chuyển động, phối hợp của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tích cực.

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình), việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Qua đó, góp phần giải quyết căn cơ tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài vượt cấp, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân.

chi-ngoc.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, qua công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, Bộ, ngành được nâng cao. Nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết với tỷ lệ cao, trong đó có những kiến nghị đã kéo dài như đối với việc thiếu trang thiết bị vật tư, y tế, cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công…

“Nhiều kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xem xét, nghiên cứu, giải thích, giải quyết, cung cấp thông tin một cách kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đời sống của người dân, doanh nghiệp, địa phương; góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh.

Cần giải đáp thỏa đáng kiến nghị của cử tri

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế trong công tác tiếp nhận, trả lời kiến nghị của cử tri. Đó là, một số nội dung trả lời chưa đúng thẩm quyền, còn những phần trả lời chưa sát, chưa đúng, chưa trúng, còn chung chung, gây khó khăn cho các địa phương thực hiện; còn có sự đùn đẩy trách nhiệm, một số kiến nghị chưa được xem xét kịp thời, kỹ lưỡng.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội cần chủ động thực hiện sớm hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp; tổng hợp chính xác các kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Cùng với đó, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cần tổ chức giám sát lại trả lời của các Bộ, ngành để đôn đốc, theo dõi thực hiện. “Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần trở thành một nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng, để đánh giá kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện” - đại biểu Ngọc đề xuất.

201120230935-duong.jpg
Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cũng cho rằng, một số văn bản trả lời kiến nghị cử tri vẫn mang tính chất cung cấp thông tin, tập trung cho việc nghiên cứu để giải quyết sửa đổi, bổ sung các quy định mà chưa có giải pháp quyết liệt để giải quyết các vướng mắc bức xúc; không có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục kiến nghị.

Do đó, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện “giám sát đến cùng” trả lời kiến nghị của cử tri, không chỉ giám sát số lượng mà đi sâu giám sát chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các Bộ, ngành. Đặc biệt, cần theo đến cùng những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành để kịp thời có thông tin cho cử tri; đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri để Đoàn đại biểu Quốc hội có cơ sở giám sát, báo cáo cử tri…

Trong khi đó, Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu thực tế, một số vụ việc cử tri kiến nghị trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa chặt chẽ; chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành. Một số vấn đề được Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh gửi văn bản riêng tới các Bộ, ngành, được Ban Dân nguyện theo dõi, đôn đốc, nhưng chưa được các Bộ, ngành Trung ương quan tâm trả lời. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiệu quả hoạt động của Quốc hội…

Đại biểu đề nghị Quốc hội tăng cường rà soát, đôn đốc xử lý phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri, nhất là trong các vụ việc kéo dài, kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần có giải trình, đưa ra lộ trình giải quyết cho cử tri, để nhân dân giám sát.

Đồng thời, Chính phủ, các Bộ, ngành cần trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vụ việc tồn đọng nhiều năm, đến nay chưa giải quyết; tăng cường quan hệ phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ chủ quản./.



Đ. KHOA