Khơi thông các nguồn lực của Thủ đô để thu hút đầu tư nước ngoài

Địa phương - Ngày đăng : 14:12, 20/11/2023

(BKTO) - 10 tháng của năm 2023, Hà Nội thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD.
1we.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Hà Nội luôn nằm trong top đầu cả nước về thu hút FDI

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 10 tháng của năm 2023, Hà Nội xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI khi thu hút 346 dự án mới, 141 lượt tăng vốn FDI với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 242,5 triệu USD; 273 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 544,3 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD.

Tính chung lũy kế đến nay, thu hút vốn FDI của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc, đạt khoảng 62,6 tỷ USD, trong đó có có 7.312 dự án cấp mới còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 28,7 tỷ USD; 2.085 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 11,6 tỷ USD; 5191 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 22,3 tỷ USD.

Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là kinh doanh bất động sản (31,01%), tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (29,67%); thương mại, dịch vụ (22,54%); xây dựng và khoa học công nghệ (5%); còn lại là các ngành khác.

Năm 2025, Thành phố Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD, trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Dự kiến 2 tháng còn lại của năm 2023, thu hút FDI của Hà Nội đạt khoảng 484,8 triệu USD. Dự kiến, năm 2024, Thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD, trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD.

Ưu tiên khai thác chuỗi giá trị toàn cầu và các lợi thế của Thủ đô

Những năm qua, Hà Nội luôn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.

Từ cơ sở này, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng. Đây là tiền đề thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp này cũng khẳng định lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo quy hoạch phát triển Thủ đô tầm nhìn 2030-2034, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô.

Đồng thời, khai thác các thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng. Tiếp đến là các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Mới đây Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đến nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên, có 60 dự án đang hoạt động góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, Thành phố sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư; đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định; đảm bảo cung ứng thiết yếu (điện, nước, logistics), đẩy mạnh phát triển hạ tầng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp đầy đủ, công khai kịp thời thông tin về quy hoạch địa điểm đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa.

Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án phát triển làng nghề truyền thống.

Nội dung ưu đãi đầu tư bao gồm: được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.../.

THÙY LÊ