Vốn ưu đãi vẫn tiếp tục tìm doanh nghiệp tốt
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 20:59, 21/11/2023
Hệ thống ngân hàng đang rất chủ động trong việc mở rộng các giải pháp kết nối, thúc đẩy tăng trưởng cho vay cuối năm. Nhiều gói vay giá rẻ đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đã giải ngân hàng chục ngàn tỷ đồng.
Lồng ghép triển khai các chính sách ưu đãi
Thông tin tại Hội thảo “Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng” tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh cuối tuần trước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện tại, ngành Ngân hàng thành phố đã triển khai được 30 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên trên địa bàn. Tính đến giữa tháng 11, con số giải ngân của chương trình này đã đạt khoảng 581.000 tỷ đồng với gần 180.000 khách hàng doanh nghiệp vay vốn, tăng 111,7% so với gói tín dụng các TCTD đăng ký theo kế hoạch năm.
Theo ông Lệnh, điểm sáng tích cực trong hoạt động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp từ chương trình kết nối năm 2023 là NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và hệ thống các NHTM đã rất chủ động trong việc lồng ghép triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, miễn giảm phí giao dịch vào chương trình kết nối. Vì thế, hiệu quả cho vay đối với các khoản vay lãi suất thấp đạt kết quả rất tích cực.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, tính đến nay, 63% dư nợ tại các TCTD trên địa bàn đã ở mức lãi suất cho vay từ 5-9%/năm, mức lãi suất đã tương đương với thời điểm trước dịch Covid-19.
“Với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định, tài chính lành mạnh đã tiếp cận vốn vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất 4%/năm. Mức này thậm chí thấp hơn mức lãi suất huy động”, ông Lệnh cho biết.
Trong các tháng cuối năm 2023, ngành Ngân hàng Thành phố sẽ tiếp tục dành nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, mức lãi suất cho vay chỉ 4-6%/năm. Với nguồn vốn rẻ này, kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhiều nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực kích cầu tiêu dùng.
Về phía NHTM, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách - Tín dụng Agribank - cho biết, hiện 96% khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng này thuộc nhóm các DNNVV. Vì thế, Agribank đã chủ động xây dựng nhiều gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của các nhóm doanh nghiệp đặc thù.
Theo đó, ngân hàng này đang dành khoảng 25.000 tỷ đồng cho vay các DNNVV thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu; 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu dùng và 10.000 tỷ đồng cho vay đối với các DNNVV có nhu cầu đầu tư trung, dài hạn phục vụ mở rộng quy mô, tái cấu trúc sản phẩm, thị trường. Hiện tại, các gói vay này đều đã giải ngân 30-40%. Dự báo trong các tháng cuối năm, tốc độ giải ngân ở các chi nhánh sẽ tăng trưởng nhanh chóng, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho mùa kinh doanh cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Kỳ vọng tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2024
Nhận định về những thách thức kinh tế vĩ mô, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng, trong các tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, tình hình chung ở các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ vẫn khó khăn. Lãi suất các đồng tiền mạnh vẫn chưa thể giảm cho đến khoảng giữa năm sau. Vì thế, trong thời điểm này, các doanh nghiệp cần tập trung mạnh cho các chiến lược “phòng thủ”, phòng ngừa rủi ro, tích cóp cơ hội, đồng thời cũng cần lưu tâm đến các xu hướng phát triển có tác động đến cơ hội huy động vốn, cơ hội tiếp cận các khoản vay, khoản tài trợ ưu đãi như lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…
Theo ông Thành, NHTM cũng giống như các doanh nghiệp, mỗi đơn vị đều có khẩu vị rủi ro riêng, thị trường riêng. “Do đó, trong lúc nhìn đâu quanh mình cũng thấy khó khăn như thế này, các ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ thật với nhau, hợp gu, hợp khẩu vị rủi ro với nhau thì bắt tay chặt hơn, cùng tháo gỡ để khai thông dòng vốn, cùng hợp tác, cùng có lợi”, ông Thành nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh - chia sẻ rằng, các chính sách của Chính phủ, ngành Ngân hàng trong thời gian qua, đặc biệt từ cuối 2022 đến nay, đã hỗ trợ khá tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, sức mua trên thị trường khá yếu. Vì thế, cần có nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, từ đó sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng tài trợ thêm nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh.
Theo ông Trường, trong năm 2024 và các năm tới, nhóm DNNVV khởi nghiệp các lĩnh vực kinh tế xanh, chuyển đổi số, các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng, gia công phần mềm cho các đối tác nước ngoài… sẽ vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh và kêu gọi được nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cần tập trung hơn cho việc thay đổi tư duy kinh doanh trong thời đại mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến các yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh, chuyển đổi công nghệ theo hướng xanh, bền vững và minh bạch về tài chính. Riêng hoạt động kết nối với các TCTD thì cần hết sức chân thành, chia sẻ để hợp tác bình đẳng, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong các năm sau dịch Covid-19.
Theo PGS,TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, mặc dù đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế được nhìn nhận là thấp so với chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm, tuy nhiên, nếu cả năm nay GDP chỉ tăng khoảng 5% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay là bình thường. Với các dấu hiệu như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), đơn hàng đang tốt lên, các ngân hàng cũng đang thúc đẩy giải ngân nhiều gói tín dụng dịp cuối năm thì nhiều khả năng sang năm 2024 sẽ quay lại được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Các chuyên gia tại Hội thảo cũng cho rằng trong năm 2024, nhiều chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ tổng cầu kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp cho sự khởi sắc của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động sửa đổi pháp lý đối với các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật các TCTD… sẽ tạo cơ sở tốt hơn cho tín dụng./.