Quyết liệt ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng

Pháp luật - Ngày đăng : 13:32, 22/11/2023

(BKTO) - Số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục gia tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 1.600 vụ, 478 đối tượng, tăng 203,61% số vụ và tăng 48,91% số đối tượng so với năm 2022.
cac-db21.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn

Tại phiên thảo luận ngày 21/11 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về sự gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động phạm tội trên mạng để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa; đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật, các nguy cơ gây mất an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục tăng cao, nhất là hành vi đánh bạc qua mạng, mua bán, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội có chung đánh giá, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen…

anh-tri.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để ngăn chặn khá nhiều hoạt động có hại trên môi trường mạng. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thực sự yên tâm, vẫn còn hiện tượng a dua, ném đá, nặng hơn thì tin giả, bịa đặt, lừa đảo, thậm chí là phản động, rất cần phải được ngăn chặn.

“Mạng xã hội rất cần cho học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi, giải trí... Tuy nhiên, chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Dẫn quy định tại Luật An ninh mạng, đại biểu đặt vấn đề về việc xem xét để sửa đổi Luật An ninh mạng cho phù hợp hơn với sự phát triển của mạng xã hội và sự tăng lên khác lạ, phức tạp, tinh vi của tội phạm mạng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nhận định, thời gian tới, trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ ngày càng gia tăng.

Để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin của người dùng, đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua App, điển hình là những cuộc gọi mạo danh.

Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Trước những diễn biến phức tạp, tinh vi và nguy hiểm của tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đề nghị cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng.

Đặc biệt, theo đại biểu, trong phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet để họ tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh, tố giác hành vi tội phạm.

van-thinh.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Cùng với đó, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng khoa học, sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao; khắc phục cho được tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ các nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để từ đó có phương pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết và chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm.

Song song đó, cần có biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số trước những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản.

Chỉ rõ nhiều hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước xử phạt kịp thời, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, xã hội số cũng như xã hội thực và cuộc sống của người dân trên không gian mạng ngày càng nhiều. Vì vậy, xã hội số cũng cần được quản lý chặt chẽ như xã hội thực.

“Chính phủ cần có đánh giá tổng thể với các hành vi vi phạm, cũng như thực tế công tác quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào việc xử phạt hành chính của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đó là cơ sở vững chắc để thực hiện việc đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng ngày một hiệu quả hơn” - đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cần có biện pháp xử lý triệt để tình trạng không chính danh của tài khoản tổ chức, cá nhân mở tại các ngân hàng, các trung gian thanh toán. Nếu cải thiện được tình trạng này, việc lừa đảo chiếm đoạt tiền sẽ giảm mạnh.

“Không kẻ lừa đảo nào lại lừa chuyển tiền vào tài khoản chính danh của mình. Nói không quá khi cho rằng tình trạng không chính danh của tài khoản chính là phương tiện, nguồn cơn thúc đẩy nhiều hành vi phạm tội” - đại biểu nói.

Theo đại biểu, các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán phải tự rà soát, đối chiếu với khách hàng. Ngân hàng nhà nước cần có quy định tài khoản ở các trạng thái hoạt động bình thường. Đồng thời, áp dụng công nghệ để các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và tổ chức công dân mở tài khoản tự thực hiện việc đối chiếu, tra soát định kỳ.

Đ. KHOA