Kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:24, 22/11/2023

(BKTO) - Hoạt động kiểm toán giúp chỉ ra những bất cập cũng như nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp từ Trung ương đến địa phương, từ đó kịp thời chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng tốt hơn.
pho-tong-kiem-toan-nha-nuoc-nguyen-tuan-anh-ghi-nhan-nhung-no-luc-cua-ban-de-tai-trong-viec-nghien-cuu.-anh-nguyen-ly.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận những nỗ lực của Ban Đề tài trong việc nghiên cứu. Ảnh:  Nguyên Ly

Chiều 22/11, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường” do CN. Nguyễn Thị Thái Hà (KTNN chuyên ngành II) và Ths. Lê Văn Duẩn (KTNN chuyên ngành V) đồng chủ nhiệm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng và Ban Đề tài.

quang-canh-buoi-nghiem-thu.-anh-nguyen-ly.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo CN. Nguyễn Thị Thái Hà, BVMT gắn với phát triển bền vững là vấn đề trọng tâm trong xu thế chiến lược toàn cầu, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam. Trên thế giới, nhằm thúc đẩy công tác BVMT, nhiều quốc gia đã chú trọng triển khai công tác kiểm toán môi trường.

Từ năm 1992, Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường nhằm mục đích định hướng, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và phát triển lĩnh vực quan trọng này trên toàn thế giới.

cn.-nguyen-thi-thai-ha-ktnn-chuyen-nganh-ii-trinh-bay-ket-qua-nghien-cuu.-anh-nguyen-ly.jpg
CN. Nguyễn Thị Thái Hà (KTNN chuyên ngành II) trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại Việt Nam, mặc dù còn mới mẻ nhưng kiểm toán môi trường đã được KTNN triển khai và là một trong các nội dung kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công gắn với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Theo đó, KTNN đã tổ chức các cuộc kiểm toán hướng đến những vấn đề môi trường và nhận được sự quan tâm của Chính phủ và dư luận xã hội.

Cụ thể như: Kiểm toán môi trường khu công nghiệp, nhiệt điện than, kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế, kiểm toán hoạt động hệ thống xử lý nước thải y tế của các bệnh viện, kiểm toán Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu... Giai đoạn 2018-2021, với cương vị là Chủ tịch ASOSAI và Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, KTNN đã thể hiện sự quan tâm, chú trọng tới lĩnh vực KTMT.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, trong các cuộc kiểm toán về môi trường của KTNN, việc đánh giá chức năng quản lý của cơ quan nhà nước về BVMT còn nhỏ lẻ, riêng biệt, chưa mang lại được bức tranh tổng thể về quản lý môi trường. Bên cạnh đó, KTNN cũng chưa có một kế hoạch chiến lược dài hạn và chưa tổ chức, triển khai kiểm toán môi trường một cách có bài bản.

Đội ngũ kiểm toán viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực môi trường; các phương pháp kiểm toán thiên về tính chất tuân thủ, chưa mang thiên hướng kiểm toán hoạt động theo xu hướng chung của thế giới. Có thể nói, KTNN Việt Nam hiện nay đang có khoảng cách khá xa so với các cơ quan kiểm toán tối cao khác trên thế giới trong lĩnh vực này.

hoi-dong-nghiem-thu-gop-y-cho-ban-de-tai.-anh-nguyen-ly.jpg
Hội đồng nghiệm thu góp ý cho Ban Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã phân tích, đánh giá công tác kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong BVMT, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong BVMT của KTNN.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đánh giá, đề tài đã nêu một số vấn đề chung về môi trường (khái niệm về môi trường, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về môi trường); đánh giá thực trạng kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường, bao gồm những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với KTNN Việt Nam.

Từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra các phương hướng, giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường, trong đó đã đề xuất được một số chủ đề cuộc kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường.

Để đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên trong Hội đồng đề xuất Ban Đề tài đưa ra một số ví dụ về nhiệm vụ quản lý môi trường tại một số Bộ để có bức tranh tổng thể về quản lý môi trường hiện nay; bổ sung các nhân tố có thể ảnh hưởng đến công tác kiểm toán trách nhiệm quản lý môi trường, chẳng hạn như: con người, quy trình, chuẩn mực, chức năng, nhiệm vụ hay thể chế, rủi ro. Đặc biệt lưu ý đến các phương pháp kiểm toán, đối tượng kiểm toán, quy trình, thủ tục kiểm toán…

Để các giải pháp khả thi và có tính ứng dụng, Ban Đề tài cần xem xét, cụ thể hóa đối với từng giải pháp, trong đó vấn đề quan trọng nhất là quy trình kiểm toán từ chuẩn bị, thực hiện, lập báo cáo và theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, phân tích sâu hơn một số chủ đề cuộc kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường được nêu tại chương 3 (mục tiêu, nội dung, đối tượng kiểm toán…).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, từ đó nghiên cứu, phân tích sâu từng nội dung của đề tài, nhất là các giải pháp, kiến nghị để kiểm toán trách nhiệm quản lý nhà nước trong BVMT; hoàn thiện và nộp lại sản phẩm hoàn chỉnh đúng thời gian quy định.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu.

THÙY LÊ