Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá
Xã hội - Ngày đăng : 20:00, 22/11/2023
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra từ ngày 01-03/12/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành phố Hà Nội với sự tham gia của 1.100 đại biểu chính thức đại diện cho khu vực hành chính; khu vực sản xuất kinh doanh; cán bộ công đoàn chuyên trách; đại biểu là cán bộ công đoàn không chuyên trách và lao động sản xuất trực tiếp.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước.
Đại biểu tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có độ tuổi trung bình là 47, trong đó đại biểu cao tuổi nhất là 71 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất là 26 tuổi. 37,05% đại biểu là nữ; 6,27% đại biểu là người dân tộc thiểu số; 78,43% đại biểu là đảng viên. 384 đại biểu có trình độ sau đại học; 554 đại biểu có trình độ đại học, cao đẳng; 147 đại biểu có trình độ trung cấp trở xuống.
Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII dự kiến trình Đại hội và Ban Chấp hành khóa XIII về nhân sự, theo đó số lượng Ủy viên Ban Chấp hành gồm 177 đồng chí; Ủy viên Đoàn Chủ tịch 31 đồng chí; Chủ tịch, Phó Chủ tịch 5 đồng chí; Ủy viên Ủy ban kiểm tra 19 đồng chí.
Trước thềm Đại hội, nhiều hoạt động đã diễn ra như: Triển khai tổ chức gắn biển 2 công trình cấp Tổng Liên đoàn với tổng trị giá gần 1.800 tỷ đồng; Diễn đàn người lao động 2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, với sự tham dự của 500 đại biểu cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động cả nước; cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn; giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023...
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức 10 diễn đàn chuyên đề để thảo luận, đề xuất sáng kiến cho 10 vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn, bao gồm: Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở; Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động; Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc.
Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động; Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn; Nâng cao chất lượng công tác nữ công; bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại công đoàn, phát huy vai trò công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế; Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Việt Nam đã có một số hoạt động mới, nổi bật như: Tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; tập trung ban hành các quy định nhằm quản trị, điều hành hệ thống tốt hơn; ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.
Trong 5 năm qua, cả nước kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên công đoàn; thành lập 24.320 công đoàn cơ sở. Tỷ lệ công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 96,10% đến 98,64%. Tỷ lệ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 94,80% đến 99,68%.
Bên cạnh đó, có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy” với trên 28 nghìn tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, phòng chống Covid-19, chăm lo, hỗ trợ số lượng lớn người lao động bị ảnh hưởng, ban hành và triển khai các gói hỗ trợ hiệu quả, đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động và người thân của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền gần 6 nghìn tỷ đồng...