Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Địa phương - Ngày đăng : 20:30, 22/11/2023

(BKTO) - Năm 2023, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực, có 18 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch.
1(1).jpg
UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp thường kỳ tháng 11 để thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023. Ảnh: TS

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,87%, có 15/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước vượt 7,6% so với dự toán được giao.

Sản xuất nông nghiệp ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; các loại cây trồng chính được mùa, được giá, năng suất lúa cả năm ước đạt 61,5 tạ/ha, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 7,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tổng lượng khách du lịch tăng 11,9%, tổng thu du lịch tăng 20,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 10,6%, vận chuyển hành khách tăng 31%, doanh thu vận tải tăng 23,2%.

Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thanh Hóa có thêm 7 Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là tỉnh thứ 4 cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Các chỉ số về cải cách hành chính, quản trị hành chính công của tỉnh đạt kết quả tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do một số quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý vốn của nhà nước còn thiếu sự thống nhất nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Sau hơn 2 năm chống dịch Covid-19, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lãi suất duy trì ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, trong khi năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế, thiếu các quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản và việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế Giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua, tác động đến kết quả thu ngân sách của tỉnh.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực, 03 trụ cột tăng trưởng, 06 hành lang kinh tế.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quản lý chặt chẽ tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

THÙY LÊ