Phải làm cho dân hiểu, để cho dân biết
Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 06:42, 23/11/2023
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những yếu tố hết sức quan trọng là trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Đảng cần phải làm thật tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nhân dân hiểu, biết đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Người từng khẳng định: Nhân dân ta rất tốt, luôn sẵn sàng, tin tưởng đi theo Đảng, nhưng không phải có như vậy là làm được tất cả, mà Đảng: “Phải làm cho nhân dân hiểu: Đảng và Chính phủ luôn luôn phục vụ nhân dân; phải nói thật với nhân dân những thắng lợi cũng như những khó khăn. Có thế nhân dân mới hăng hái sản xuất”.
Muốn làm cho dân hiểu, dân biết từ đó mà dân hăng hái ủng hộ, tích cực thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thì theo Hồ Chí Minh, cần phải: “Giải thích rõ ràng, rất rõ ràng chính sách của Đoàn thể và Chính phủ cho mọi người dân để hiểu thấu, để cho mọi người dân hăng hái ủng hộ triệt để và thi hành triệt để chính sách ấy”. Người cũng đặt ra yêu cầu rất rõ ràng: “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng”. Trên cơ sở nắm chắc được như vậy, chúng ta mới có thể: “Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức, có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”.
Với quan điểm phải phụ trách trước nhân dân, việc gì cũng bàn bạc với dân, giải thích cho dân, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”.
Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý đến tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật sự mẫu mực để lôi kéo, vận động quần chúng. Người nói: “Muốn làm cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”.
Người cũng nêu cụ thể để bảo đảm nhân dân thực hiện tốt việc tham gia xây dựng Đảng thì Đảng phải tiến hành theo nguyên tắc: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề để cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Hồ Chí Minh cũng phê phán tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, né tránh, xa rời quần chúng, giấu giếm quần chúng. Người viết: “Việc gì cũng dùng cách quan liêu, cũng chỉ ra mệnh lệnh, thế là không phụ trách trước nhân dân. Thế là đem hai chữ “mệnh lệnh” làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Thực tế cho thấy: Khi chúng ta làm cho nhân dân biết rõ sự thật thành công cũng như hạn chế, ưu điểm và khuyết điểm, thuận lợi cũng như khó khăn thì nhân dân sẽ thông suốt, tin tưởng, phấn đấu thực hiện thành công mọi công việc. Vấn đề này đúng như lời Hồ Chí Minh đã chỉ ra, nếu “Tư tưởng của quần chúng thông, lực lượng và trí tuệ của quần chúng sẽ vô cùng vô tận, khó khăn gì cũng vượt được, công việc to mấy cũng làm nên”. Hồ Chí Minh còn chỉ ra đây cũng chính là phương pháp để xây dựng, rèn luyện Đảng: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”.
Những tư tưởng, lời dạy, cách làm hiệu quả trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quán triệt, vận dụng, thực hiện trên thực tế rất tích cực và thành công. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhất là những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã xác định mục tiêu, phương châm hành động: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”. Một trong những bài học kinh nghiệm quý mà Đảng ta đã rút ra là: Trong mọi công việc của Đảng, Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc; tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Bên cạnh những ưu điểm, thành công là cơ bản, Đảng và Nhà nước cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cùng các giải pháp sửa chữa, khắc phục trong thực hiện công việc làm cho dân hiểu, dân biết để dân đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước vững bước đi lên. Như tình trạng “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Đồng thời, Đảng cũng khẳng định: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đồng bộ, tích cực đồng thời nỗ lực phấn đấu nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết tâm xây dựng thế trận lòng dân, truyền thống đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong đó: “Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức cơ sở đảng, đảng viên với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên”./.