Quản trị xanh - “Chìa khóa” mở lối cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:04, 23/11/2023
Thiếu vốn cản trở doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, trong những năm gần đây, tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Trên hành trình chuyển đổi xanh, các DN được xác định là những “hạt nhân”, đóng vai trò quan trọng tạo nên thành công của quá trình “xanh hóa” nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại phần lớn DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quá trình này. Theo đó, những thách thức được chỉ ra như mức độ nhận thức của DN về chuyển đổi xanh còn hạn chế, hoặc DN thiếu thông tin, không biết cách thức để thực hiện chuyển đổi; đặc biệt thách thức lớn nhất là bài toán vốn.
“Trong bối cảnh hiện nay, DN phải xoay sở nguồn vốn để duy trì hoạt động đã khó, nên câu chuyện tìm nguồn vốn ở đâu để thực hiện chuyển đổi xanh còn khó hơn” - bà Thủy nhấn mạnh.
Không chỉ các DN gặp khó trong việc giải bài toán vốn để chuyển đổi xanh, theo ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), bản thân các tổ chức tín dụng cũng gặp những trở ngại nhất định trong việc cung cấp tín dụng xanh.
Cụ thể, theo ông Ánh, hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng về danh mục phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn cũng như cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay; trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là từ các định chế tài chính quốc tế để cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ tại Diễn đàn “Khơi nguồn tài chính xanh và quản trị xanh” mới diễn ra, ông Lương Hải Sinh - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhận định, việc thực hiện chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức, bởi đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính rất lớn.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040 khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và giảm phát thải ròng bằng “0”.
Về nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh, theo ông Sinh, bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh.
Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Mặc dù vậy, hiện nay, đây vẫn là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam, trong khi thị trường tài chính xanh được coi là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
Doanh nghiệp thực hiện quản trị xanh để nâng cao khả năng tiếp cận vốn
Theo các chuyên gia, hiện nay, chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng lâu dài mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các DN, bởi người tiêu dùng toàn cầu ngày càng có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm xanh. Do đó, nếu DN chậm “xanh hóa” hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, hạn chế khả năng tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị; thậm chí còn có thể bị đào thải khỏi thị trường.
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh để có nguồn lực thực hiện quá trình chuyển đổi là bài toán mà các DN cần phải giải. Để làm được điều này, theo ông Lương Hải Sinh, quản trị xanh hay quản trị bền vững (tức quản trị các giá trị tác động đến môi trường và xã hội) đang được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư coi là thành tố then chốt, là một tiêu chuẩn và là điều kiện cần để đưa ra các quyết định đầu tư, thay vì coi là điều kiện cộng như trước đây. Do đó, muốn tiếp cận được nguồn vốn xanh thì DN cần phải “xanh từ trong quản trị DN”.
Muốn vậy, trước hết DN cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh. Đồng thời, DN cần xây dựng chiến lược trong việc “xanh hóa” hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Đặc biệt, DN cần thực hiện quản trị xanh để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như tạo dựng niềm tin với đối tác, từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận thành công các công cụ tài chính xanh ưu đãi từ thị trường tài chính xanh trong và ngoài nước.
Nhìn từ góc độ quốc tế, ông Darryl James Dong - Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam chia sẻ, hiện nay, các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) đang dần trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định cho vay, đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế.
Các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu coi biến đổi khí hậu là vấn đề số một để họ hợp tác với các DN. Do đó, các DN hãy khởi động để bắt đầu lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng “0” một cách mạnh mẽ. DN cần lựa chọn hoặc chuyển đổi xanh hoặc ngừng kinh doanh.
Ông Darryl James Dong
Từ phía các tổ chức tín dụng, ông Phạm Như Ánh kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đẩy nhanh việc ban hành các hướng dẫn phát triển ngân hàng xanh và tiêu chí phân loại xanh. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, bên cạnh “room” tín dụng cấp hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét tiêu chí tăng thêm tỷ lệ tăng trưởng cấp tín dụng đối với các ngân hàng có tỷ trọng cấp cho lĩnh vực tín dụng xanh ở mức cao, nhằm khuyến khích các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu danh mục tín dụng sang tín dụng xanh...
Để tiếp cận được nguồn tín dụng xanh, DN có thể cam kết kiểm đếm được lượng phát thải, công nghệ giảm tới 20% phát thải hay DN đang có lượng phát thải ít hơn 20% so với mức trung bình của thị trường…
Ông Phạm Như Ánh