Làm rõ việc quy định về thu phí đường bộ, đường cao tốc

Pháp luật - Ngày đăng : 15:18, 24/11/2023

(BKTO) - Dự thảo Luật Đường bộ quy định theo hướng, người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn…

Sáng 24/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đường bộ.

241120230807-sung-a-lenh.jpg
Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cho biết, liên quan đến quy định về phí sử dụng đường bộ, Dự thảo Luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sở hữu, quản lý và khai thác. Đại biểu cho rằng, các quy định trên có thể dẫn tới việc thu trùng với các loại phí liên quan đến đường bộ.

Theo đại biểu, Dự thảo Luật đã bỏ quy định về Quỹ Bảo trì đường bộ được quy định tại Điều 49 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Hiện nay, việc thu nộp và sử dụng phí đường bộ được thu qua đầu phương tiện ô tô. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu, khoản phí này được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo đánh giá tác động của việc quy định thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để làm cơ sở xây dựng các chính sách mới của Dự thảo luật.

Giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Theo đó, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ. Người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.

Trong khi đó, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc.

Vì vậy, để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường song hành, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu phí đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ đã thu qua đầu phương tiện.

“Mức thu sẽ được xác định đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ và đảm bảo hoàn vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo chi phí bảo trì hàng năm” - Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, hay những quốc gia rất lớn như Mỹ đã áp dụng việc thu phí đường cao tốc Nhà nước. Vì vậy, chúng ta cũng nên tính toán để đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước, nhất là bối cảnh ngân sách còn hạn chế.

“Hiện nay, thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35% đến 40% nhu cầu bảo trì. Cho nên, nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng, hoàn thiện đưa vào sử dụng mà chúng ta không thu phí thì sẽ gặp khó khăn về khoản kinh phí bảo trì” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.

Đ. KHOA