Họp báo thông tin về nội dung Đại hội ASOSAI 14: Kiểm toán môi trường sẽ là một trong những nội dung nghị sự quan trọng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:28, 17/09/2018
(BKTO) - Sáng 17/9, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về nội dung Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), đại diện các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến công tác tổ chức Đại hội, Chủ đề của Đại hội, những thách thức đối với KTNN trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, đóng góp của KTNN vào sự minh bạch nền tài chính quốc gia; kết quả kiểm toán lĩnh vực môi trường; kế hoạch kiểm toán môi trường năm 2018, 2019; sự phối hợp của KTNN với các tổ chức kiểm toán độc lập…
Các lãnh đạo KTNN, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì Họp báo - Ảnh: Thanh Tùng.
Theo chương trình nghị sự, Đại hội ASOSAI 14 sẽ thảo luận, thông qua Báo cáo kết quả chương trình phát triển năng lực ASOSAI giai đoạn 2015-2018 và Kế hoạch phát triển năng lực giai đoạn 2018-2021; Dự toán ngân sách ASOSAI giai đoạn tài chính 2019-2021. Đại hội cũng tiến hành lựa chọn SAI chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 15 năm 2021; bầu Ban Điều hành và Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2018-2021; chuyển giao chức Chủ tịch và Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ mới... |
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, tại Đại hội ASOSAI 14, kiểm toán môi trường sẽ là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng. Với Chủ đề này, các SAI thành viên sẽ đóng góp tham luận về những thách thức, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường. Kết quả của Đại hội sẽ góp phần hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán, đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, vấn đề phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chỉ đạo nhiều lần, với tinh thần không đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư. Các dự án đầu tư phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường. Trên tinh thần đó, KTNN Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực này và đã đưa một số nội dung kiểm toán môi trường vào kế hoạch kiểm toán hằng năm, với một số cuộc kiểm toán đáng chú ý, như: kiểm toán chuyên đề quản lý tài nguyên khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu; Hệ thống xử lý chất thải y tế các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2011-2015…
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc:Dự kiến, năm 2019, KTNN sẽ thực hiện 5 cuộc kiểm toán liên quan đến vấn đề môi trường, đó là: Kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2014-2018; Kiểm toán chuyên đề đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020; Dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Việc cấp phép quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2013-2018 của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Công tác quản lý, xử lý chất thải đô thị của TP.Hà Nội. Ngoài ra, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán một số dự án liên quan như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình; Nhà máy Thủy điện Hưng Sơn, Sông Lung 2, Bản Chát; Việc quản lý môi trường, khai thác khoáng sản của tỉnh Quảng Ninh; 8 dự án đô thị phía Bắc và một số cuộc kiểm toán khác. |
Trả lời báo chí về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, KTNN đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này. Theo đó, KTNN đã xây dựng được một số phần mềm phục vụ cho công tác kiểm toán, chẳng hạn như xây dựng nhật ký kiểm toán online nhằm kiểm soát kiểm toán viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, KTNN đã xây dựng 4 phần mềm, hoàn thành 1 phần mềm về kiểm toán xây dựng cơ bản và đang xây dựng phần mềm về kiểm toán DN; hỗ trợ kiểm toán DN, phần mềm kiểm toán các tổ chức tín dụng, phần mềm kiểm toán ngân sách cũng như xây dựng trung tâm dữ liệu kết nối các Bộ, ngành và dữ liệu của quốc gia.
Đây là kho dữ liệu phục vụ cho công tác lập kế hoạch kiểm toán cũng như các báo cáo kiểm toán. Đến năm 2021, tất cả các hoạt động của KTNN (trừ tài liệu mật) sẽ được thực hiện thông qua hệ thống CNTT. Sau khi phát triển mạng lưới CNTT, KTNN sẽ tìm hiểu về CNTT của KTNN các nước như Nhật Bản, Malaysia, Philippines… và từ các công ty kiểm toán độc lập như Deloitte, để học tập kinh nghiệm, từ đó áp dụng một cách phù hợp nhất.
Chia sẻ với các phóng viên về đóng góp của KTNN Việt Nam vào sự minh bạch nền tài chính quốc gia những năm qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần thu hồi tiền cho NSNN; chỉ ra được những bất cập để các cơ quan, quản lý sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công khắc phục; kiến nghị thay đổi các văn bản pháp luật để bịt các lỗ hổng gây thất thoát NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính bằng cách kiến nghị xử lý cán bộ và chuyển qua cơ quan điều tra những vụ việc nghiêm trọng. Trong thời gian tới, KTNN hướng tới kiểm toán thường niên đối với báo cáo tài chính về ngân sách của các cấp, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình sử dụng ngân sách…
Trở lại với ý nghĩa của Đại hội ASOSAI 14, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tin tưởng Đại hội không chỉ thành công ở việc quảng bá vị thế, hình ảnh của KTNN Việt Nam mà còn thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương giữa KTNN Việt Nam với các SAI trong khu vực, trên thế giới nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường công tác đào tạo cũng như chia sẻ các công cụ, phương tiện, thiết bị để thực hiện kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh:Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là nội dung nghị sự thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu. Chủ đề này là sáng kiến của KTNN Việt Nam và đã nhận được sự đồng thuận cao của Ban Điều hành ASOSAI. Đặc biệt, Đại hội ASOSAI 14 sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội, là văn kiện chính thức tổng kết những kết quả làm việc quan trọng nhất của Đại hội và phản ánh cam kết, hành động của cộng đồng ASOSAI đối với các mục tiêu phát triển của ASOSAI giai đoạn 2016-2021. Tuyên bố cũng khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trên cơ sở của kết quả Hội nghị chuyên đề lần thứ 7. |
Trước đó, đại diện các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế cũng đã được nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên đồng chủ trì Họp báo. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đánh giá: Sự tham gia đông đảo của lực lượng phóng viên báo chí trong và ngoài nước sẽ góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội ASOSAI 14, góp phần truyền tải hình ảnh của KTNN Việt Nam và nền kinh tế đất nước. KTNN mạnh cũng thể hiện một đất nước mạnh về kinh tế, minh bạch và tuân thủ pháp luật. Đó là hình ảnh mà chúng ta muốn truyền tải tới các bạn tại Đại hội ASOSAI 14.
Việc đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 là một hoạt động quan trọng của KTNN trong việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Nỗ lực này là minh chứng cho sự trưởng thành, phát triển, hội nhập sâu rộng của KTNN. ASOSAI 14 cũng là sự kiện quan trọng có tác dụng lan toả và nâng cao vai trò của KTNN. Nhân dịp này chúng ta sẽ giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, điểm đến an toàn cho đầu tư thương mại, kinh doanh, du lịch…
Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng: Để góp phần phản ánh sự thành công của Đại hội ASOSAI 14, cơ quan báo chí cần chú ý tập trung tuyên truyền sâu rộng trước, trong và sau khi diễn ra Đại hội, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội; nêu bật chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và các nội dung chính của Đại hội; nêu bật lợi ích của Việt Nam trong việc đăng cai Đại hội, là cơ hội để KTNN khẳng định vị trí và vai trò của mình đối với các SAI thành viên cũng như các tổ chức quốc tế trên thế giới, góp phần đưa vị thế của KTNN lên một tầm cao mới; giới thiệu và quảng bá hình ảnh về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, ổn định, thân thiện, đổi mới, năng động, giàu lòng mến khách, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện