Kiểm toán nhà nước tiếp tục tăng cường phối hợp với 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam và Vĩnh Phúc
Kiểm toán - Ngày đăng : 18:25, 28/11/2023
Tham dự Hội nghị, về phía Thành phố Hà Nội có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Hoàng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Về phía tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía KTNN có đồng chí Ngô Văn Tuấn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước và các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các địa phương, các Sở, ngành của địa phương; lãnh đạo các đơn vị tham mưu của KTNN. Về phía KTNN khu vực I có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Kiểm toán trưởng cùng toàn thể nhân sự chủ chốt của đơn vị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho rằng, Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân và rút ra kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 05 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc cho những năm tiếp theo.
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo KTNN khu vực I đã nêu rõ những kết quả tích cực trong hơn 10 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác với các địa phương (KTNN khu vực I đã ký Quy chế phố hợp với TP. Hà Nội vào tháng 8/2012, tỉnh Hà Nam vào tháng 11/2009; tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 6/2012; tỉnh Bắc Ninh vào tháng 7/2013 và tỉnh Hoà Bình vào tháng 01/2014).
Đặc biệt là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và của kiểm toán viên nhà nước.
Cùng với đó là sự phối hợp hiệu quả, chất lượng trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.
“Các nội dung phối hợp thiết thực, phù hợp trong Quy chế đã được triển khai thực hiện đầy đủ. Công tác phối hợp khá chặt chẽ, đi vào thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được của hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Anh Tuấn báo cáo.
Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, KTNN khu vực I đã rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung cụ thể trong Dự thảo Quy chế phối hợp công tác lần này mà các đơn vị tham mưu của KTNN và các địa phương góp ý, đề xuất; từ đó hoàn thiện bản Quy chế phối hợp công tác.
Tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều đánh giá cao công tác phối hợp giữa KTNN với địa phương. Trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, các địa phương luôn phối hợp và chỉ đạo các đơn vị có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập các thông tin cần thiết phục vụ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán của KTNN và của các đoàn kiểm toán.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, lãnh đạo tỉnh, thành phố thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin về hoạt động của đoàn kiểm toán, luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị trong việc phối hợp chặt chẽ cung cấp tài liệu, giải trình, tạo điều kiện về nhân lực và thời gian cho hoạt động của KTNN.
HĐND và UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên phối hợp cho ý kiến dự thảo biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán; phối hợp cho ý kiến đánh giá về hoạt động kiểm toán của các tổ kiểm toán.
Khi có báo cáo kiểm toán, lãnh đạo tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các đơn vị được triển khai để thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN đảm bảo đúng yêu cầu và đúng thời gian quy định.
Các tỉnh, thành phố cũng luôn phối hợp với KTNN, đại diện là KTNN khu vực I trong công tác xây dựng và phê duyệt dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; trong việc xây dựng, sửa đổi, tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố…
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, những kết quả nổi bật mà KTNN đạt được trong suốt những năm qua luôn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội… và sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của HĐND, UBND các địa phương, trong đó có 05 tỉnh, thành mà KTNN tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp công tác lần này.
Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, Hội nghị là dịp để KTNN và 05 địa phương nhìn lại quá trình triển khai Quy chế đã ký trong những năm qua, đồng thời đưa ra phương hướng hợp tác tốt hơn trong thời gian tới. Vì vậy, nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể đối với KTNN khu vực I và 05 tỉnh, thành để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương, nhất là trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương.
Cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu KTNN khu vực I phải làm tốt 4 nội dung: Nâng cao hiệu quả góp ý xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương; nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và các dự án quan trọng trên địa bàn; tuân thủ quy định của Ngành về chất lượng và đạo đức công vụ; tuân thủ quy định pháp luật và các quy định, chuẩn mực kiểm toán của KTNN.
Về phía các địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương cùng phối hợp tốt với KTNN trong thực hiện 6 nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kế hoạch kiểm toán; giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán, giúp giữ vững đạo đức công vụ, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp xử lý tin tố giác tham nhũng, tiêu cực; đào tạo kiến thức về tài chính, ngân sách cho cán bộ dân cử./.