Quyết tâm và hành động mạnh mẽ đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực

Chính trị - Ngày đăng : 20:45, 27/11/2023

(BKTO) - Tuần qua, một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm là việc thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
tt-1-2831.jpg.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh DUY LINH)

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những vướng mắc, hạn chế, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở một số lĩnh vực: đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) thẳng thắn cho rằng: Sự nỗ lực của các cơ quan hiện nay rất đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, chưa tạo lập niềm tin vững chắc với người dân. Đại biểu cho rằng: Đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động tư pháp đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) và một số đại biểu khác cho biết, qua tiếp xúc và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng, trăn trở về thực trạng vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số cá nhân làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Một số nơi, người đứng đầu chưa thật sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm và làm chưa đi đôi với nói trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện hoặc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí chia sẻ sự băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Trong phòng chống tham nhũng, càng đấu tranh quyết liệt thì tội phạm càng tăng. Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, cho rằng tội phạm có những loại càng chống càng tăng; thí dụ đối với các loại tội phạm tham nhũng, ma túy, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp... có đặc thù ẩn. Đồng chí nói: Nếu chúng ta đấu tranh chống tội phạm loại này mạnh thì sẽ phát hiện và xử lý nhiều hơn.

Để ngăn chặn tội phạm từ gốc, một trong những giải pháp đưa ra là cần quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời. Theo Viện trưởng Lê Minh Trí: Công tác phòng ngừa liên quan cả công tác xây dựng pháp luật, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải vào cuộc, tham gia công tác này. Ở góc độ vừa là cơ quan trực tiếp thừa hành vừa tham mưu cho Đảng, cho Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tăng cường công tác phòng ngừa trong thời gian tới.

Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhiều đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp. Trước hết, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, coi trọng xây dựng mối quan hệ của kiểm soát quyền lực mang tính nhà nước với kiểm soát quyền lực mang tính nhân dân hướng tới tăng cường sự tham gia của nhân dân vào đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ cả trong công tác xây dựng pháp luật. Vấn đề cần chú trọng nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp.

Một số đại biểu đề xuất, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm đầu tư hơn nữa nguồn lực cho các cơ quan tư pháp. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, công việc đặc thù của cán bộ, công chức và các cơ quan tư pháp quyết định quyền con người, sinh mệnh, danh dự, phẩm giá của con người và bảo vệ công lý.

Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp; có chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp, phù hợp tính chất công việc, địa bàn; đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp.

Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cam kết sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng, ngừa không thể tham nhũng; đồng thời, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Quy định số 13-QĐ/UBKTTW ngày 18/9/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực như ý kiến tham gia của một số đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật./.

PHÚC QUÂN