Tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh
Pháp luật - Ngày đăng : 06:56, 29/11/2023
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 28/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời góp ý làm rõ một số quy định cụ thể trong Dự thảo Luật.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa), việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; chủ động tự lực, tự cường củng cố, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Góp ý về quy định giao nhiệm vụ đặt hàng đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và cơ sở công nghiệp an ninh cơ bản, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ sản xuất và đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng an ninh. Cần quy định cụ thể những sản phẩm nào thì giao nhiệm vụ sản xuất, đặt hàng sản phẩm nào thì đấu thầu và cơ chế thực hiện để đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định.
Nhấn mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, đại biểu Đinh Văn Thê (Đoàn Gia Lai) nhận xét, Dự thảo Luật hiện chỉ có khái niệm “công nghệ lưỡng dụng” và một số cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng.
Các quy định này nằm ở nhiều điều khoản khác nhau, gây khó cho việc nghiên cứu, áp dụng. Đại biểu đề nghị cần có một điều khoản riêng quy định về tính lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cần làm rõ nội hàm của tính lưỡng dụng.
Đối với các sản phẩm đặc thù, có tính năng vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ dân sinh, đại biểu đề nghị cần có quy định về việc liên doanh, liên kết, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, chế độ chính sách đặc thù.
"Luật cần xác định rõ phương thức liên kết hợp tác, phân công chuyên môn hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để vừa thu hút sự tham gia của các tổ chức doanh nghiệp trong nghiên cứu sản xuất các hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia liên kết hợp tác này" - đại biểu Thê nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, đối với việc liên doanh, liên kết trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh”, cần làm rõ các loại hình liên doanh, liên kết cụ thể trong sản xuất sản phẩm, dịch vụ, thương mại, phát triển kinh tế - xã hội để xác định, triển khai tổ chức thực hiện trong thực tiễn.
Đại biểu cũng đề nghị bố cục lại rõ ràng hơn quy định về phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Trong đó, cần có chính sách đặc thù cho các ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trọng điểm phát triển mạnh theo hướng lưỡng dụng, thật sự trở thành ngành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, vừa sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vừa đảm bảo phục vụ sản xuất đời sống dân sinh trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, cần có cơ chế đủ mạnh xây dựng, phát triển các tổ hợp công nghiệp, tập đoàn quốc phòng, an ninh lưỡng dụng phát triển mạnh mẽ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật theo hướng cần bổ sung một điều áp dụng pháp luật để xử lý xung đột giữa luật này với các luật khác; vừa thể hiện rõ bảo đảm tính ưu tiên, đột phá đặc thù nhưng cũng vừa phải bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, cần định danh rõ các chính sách đặc thù, vượt trội cả về quy hoạch đất đai, nguồn lực; đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, trong phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.