Tiếp tục cuộc họp Ban Điều hành: nhiều hoạt động chuyên môn của ASOSAI được các đại biểu đánh giá cao

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:45, 18/09/2018

(BKTO) - Chiều 18/9 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52 của Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) đã tiếp tục thảo luận về các chương trình nghị sự sẽ diễn ra từ ngày 19/9 đến hết ngày 22/9.



Các đại biểu tham giatrao đổi, thảo luận cácnội dung trong cuộc họpBan Điều hành lần thứ 52 - Ảnh: Thanh Tùng
Như Báo Kiểm toán đã đưa tin, sáng ngày 18/9, các đại biểu đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của khu vực châu Á đã có những trao đổi, thảo luận, trong đó tập trung vào hoạt động của Ban Điều hành và Ban Thư ký ASOSAI; quản lý tài chính của ASOSAI;những báo cáo về Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021; sửa đổi Hiến chương, Quy chế và Điều lệ ASOSAI; hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực ASOSAI; thiết lập cơ chế hợp tác với Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI), Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực châu Phi (AFROSAI) và các tổ chức quốc tế…

Tại phiên thảo luận buổi chiều, các đại biểu đã tập trung vào những chương trình nghị sự liên quan đến Chuẩn mực nghề nghiệp của Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI); Chia sẻ kiến thức của INTOSAI; Báo cáo của các Nhóm công tác INTOSAI về kiểm toán tuân thủ, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin; Báo cáo về Đề án nghiên cứu phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro, kiểm toán các dự án hợp tác công tư; Báo cáo về hoạt động của Ban Điều hành INTOSAI, các hoạt động của ASEANSAI và ECOSAI…

Sau đây là một số nội dung nổi bật được phóng viên Báo Kiểm toán ghi lại từ cuộc họp.

Đại diện SAI Ấn Độ:

SAI Ấn Độ đã tiếp quản vị trí Chủ tịch Tiểu ban kiểm toán tuân thủ của INTOSAI (CAS) từ SAI Na Uy từ tháng 11/2016. CAS là một trong những Ủy ban chuẩn mực nghề nghiệp (PSC). Phạm vi ủy quyền của CAS bao gồm phát triển các hướng dẫn đối với kiểm toán tuân thủ, đưa ra hướng dẫn thực tiễn về cách lên kế hoạch thực thi và báo cáo đối với hoạt động kiểm toán tuân thủ. Với tổng số 20 thành viên, CAS đã tổ chức các cuộc họp thường niên để các thành viên trình bày về tình trạng của các dự án đang thực hiện và các dự án mới đảm nhận. Các thành viên, quan sát viên còn trình bày hồ sơ cũng như bài thuyết trình về quốc gia ở nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến kiểm toán tuân thủ.

Đại diện SAI Ấn Độ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Thanh Tùng

Một trong các hoạt động chính của CAS là Trưởng nhóm của các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch phát triển chiến lược SDP thuộc Khung tuyên bố nghề nghiệp INTOSAI. Trong đó có Dự án số 2.2 với nội dung hướng dẫn về tuân thủ; Dự án số 2.3 với nội dung sử dụng các Chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAIs) phù hợp với phạm vi ủy quyền của SAI và tiến hành các hoạt động kiểm toán phối hợp. Hai dự án trên là cặp công trình nghiên cứu trong lộ trình dự thảo trưng cầu ý kiến với trường hợp Dự án 2.2 đang được tiến hành…

Chủ tịch SAI Indonesia:

Việc ưu tiên cho vấn đề môi trường trong phạm vi các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 cũng như sự liên kết của các SAI trong hoạt động kiểm toán môi trường đã mở ra cơ hội to lớn cho ASOSAI để mang đến nguồn lực gia tăng giá trị cho các bên liên quan trong khu vực. Những mục tiêu mà Nhóm công tác INTOSAI về kiểm toán môi trường đặt ra có thể được mở rộng sang các lĩnh vực khác như kiểm toán bền vững nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Đại diện SAI Indonesia phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Hoàng Dũng

Quá trình cập nhật hướng dẫn kiểm toán và tiến hành các nghiên cứu đang diễn ra tốt ở nhiều lĩnh vực,giúp giải quyết các vấn đề trọng yếu đối với sức khoẻ cộng đồng. Tôi vui mừng khi các thành viên ASOSAI rất tích cực trong nhiều dự án của Nhóm công tác INTOSAI về kiểm toán môi trường. Chúng tôi cũng khuyến khích các SAI đồng thuận liên kết và hợp tác, như một cách thức để tăng cường năng lực. Cơ chế mà chúng ta đang theo đuổi chính là thông qua việc tận dụng những mối quan tâm chung và những vấn đề đan xen trong các nhóm công tác kiểm toán môi trường của khu vực. Chúng ta cũng sẽ đánh giá hiệu quả của công tác này đối với các nhóm kiểm toán môi trường vùng của Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực ASEAN (ASEANSAI), AFROSAI, ASOSAI… cho phù hợp với mục tiêu về phát triển bền vững số 17, hướng đến sự hợp tác giữa các đối tác.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Nhóm công tác INTOSAI về kiểm toán môi trường sẽ tiếp tục nắm vai trò cốt yếu trong việc duy trì giá trị cốt yếu của môi trường lành mạnh đầy sức sống.

Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế - SAI Ấn Độ:

Hiện nay, Nhóm kiểm toán INTOSAI về công nghệ thông tin (CNTT) có 47 thành viên và 4 quan sát viên. Các hoạt động chính của Nhóm được chia làm 3 lĩnh vực. Thứ nhất là trao đổi thông tin; thứ hai là phát triển kiến thức và kỹ năng; thứ ba là phát triển và chuyển giao kiến thức.

Ở hoạt động trao đổi thông tin, kênh chính để chúng tôi thực hiện là website của Nhóm công tác trong Cổng thông tin cộng đồng INTOSAI. Website này bao gồm rất nhiều các hướng dẫn khác nhau về kiểm toán CNTT cũng như cuốn cẩm năng về kiểm toán CNTT. Ngoài ra, website còn có cơ sở dữ liệu thông tin về tất cả các báo cáo kiểm toán đã được các SAI phát hành về các vấn đề liên quan.

Ở lĩnh vực phát triển kiến thức và kỹ năng, ngoài việc phát triển năng lực toàn cầu do IDI khởi xướng, nhóm công tác đã phối hợp với Đại diện Cơ quan Sáng kiến Phát triển của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (IDI) để phát triển cẩm nang kiểm toán CNTT. Một nhóm thường trực đã được thành lập để liên tục cập nhập cuốn cẩm nang này.

Đối với lĩnh vực phát triển và chuyển giao kiến thức, trong phạm vi kế hoạch của Nhóm kiểm toán INTOSAI về CNTT giai đoạn 2017-2019, có 5 dự án được triển khai. Các dự án này sẽ được hoàn thành trước kỳ Đại hội INTOSAI vào năm 2019.

Đại diện SAI Malaysia:

Đại diện SAI Malaysia phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Hoàng Dũng
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, không phải tất cả các SAI đều áp dụng phương pháp dựa trên rủi ro trong việc lập kế hoạch kiểm toán. Điều này cho thấy những khác biệt về tình trạng pháp lý, phạm vi ủy quyền và thẩm quyền tác động đến phạm vi áp dụng này của các quốc gia. Phần lớn các SAI đều nhận thấy tầm quan trọng của việc phân tích rủi ro trong việc cải thiện hiệu quả kiểm toán cũng như tăng mức độ quản trị rủi ro và các quy trình quản trị. Các SAI cũng đều nhận thấy lợi ích của việc chuẩn bị kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro. Hầu hết các SAI đều bám sát phương pháp, quy trình kiểm toán theo Chuẩn mực ISSAIs trong việc phát triển kế hoạch kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động hoặc kiểm toán tuân thủ. Tuy nhiên, hầu hết các SAI đều chuẩn bị kế hoạch kiểm toán tách biệt đối với kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ. Các SAI đều xem xét kiểm soát rủi ro hiện hữu thay vì phát hiện rủi ro trong kế hoạch kiểm toán. Chỉ có 04 SAI áp dụng đầy đủ phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro.

Đại diện SAI Pakistan:

Đề án nghiên cứu 11 về Kiểm toán các dự án hợp tác công tư (PPP) được thực hiện từ tháng 7/2015 dưới sự chủ trì của SAI Pakistan, trong đó có sự tham gia của SAI thành viên: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Irắc, Cô-oét, Malaysia, Philippines.

Mục tiêu chính của Đề án là đưa ra các hướng dẫn liên quan đến kiểm toán các dự án PPP tại các quốc gia thành viên và xác định các yêu cầu trong khuôn khổ pháp lý PPP; đưa ra hiểu biết về các mô hình PPP. Vai trò của kiểm toán công trong lĩnh vực này là tăng cường lợi ích về kinh tế cho quốc gia. Kết quả thực hiện Đề án cho thấy, các SAI vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán dự án PPP và cần phải có thêm thời gian để tích luỹ kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán này. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra 11 khuyến nghị cụ thể dành cho các SAI trong việc kiểm toán dự án PPP.
VIẾT CHUNG