Chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp khi kiểm toán doanh nghiệp
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:30, 29/11/2023
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo và Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Thu Giang chủ trì Tọa đàm. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo, các phòng và kiểm toán viên đến từ KTNN chuyên ngành Ia, Ib, VI, KTNN khu vực I và IV.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo cho biết, thời gian qua, kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN cũng như trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Từ đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng tài chính, tài sản. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm bịt các lỗ hổng trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước và tháo gỡ các điểm nghẽn cho DN.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực DN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán cho các DN, tập đoàn. Nhiều sai sót của DN rất khó phát hiện, hoặc khó thu thập bằng chứng kiểm toán. Đó là chưa kể đến việc thiếu các căn cứ pháp lý phù hợp để kiểm toán đưa ra đánh giá chính xác, phòng tránh rủi ro, thất thoát tài sản nhà nước.
Từ thực trạng trên, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI kỳ vọng, Tọa đàm sẽ là diễn đàn để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động kiểm toán, cũng như đề xuất cách làm rất sáng tạo góp phần nâng cao kỹ năng tổ chức thực hiện kiểm toán, đảm bảo tính đồng nhất trong việc đưa ra các kết luận và kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ kiểm toán viên.
Tại Tọa đàm, đại diện các đơn vị đã chia sẻ về một số sai sót trong kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; kiểm toán việc quản lý giá sản phẩm quốc phòng trong các DN trực tiếp phục vụ quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng; kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần; chênh lệch tỷ giá trong kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp; kiểm toán đầu tư dự án nhóm B, nhóm C tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Theo bà Phạm Thị Thúy - Phó Trưởng phòng Kiểm toán Ngân sách 2 (KTNN khu vực IV), liên quan đến quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần, KTNN đã chỉ ra một số DN xác định chưa đúng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Nhiều DN lập báo cáo quyết toán cổ phần hóa còn chậm; cơ quan chủ quản chưa thực hiện việc phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hoá, chi phí cổ phần hóa, kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, và quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm DN cổ phần hoá chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo đúng theo thời gian quy định tại điểm 5 Điều 10 Thông tư số 127/2014/TT-BTC.
Đối với nội dung về chênh lệch tỷ giá, ông Vũ Minh Đức - Phòng Tổng hợp (KTNN chuyên ngành VI) cho biết, một số tập đoàn, tổng công ty có số lượng và quy mô nghiệp vụ kinh tế liên quan đến ngoại tệ lớn thì rủi ro có sai sót liên quan đến chênh lệch tỷ giá là đáng kể và cần được kiểm toán viên lưu ý. Ngoài rủi ro có sai sót trong công tác kế toán, các đơn vị có phát sinh các khoản mục có gốc ngoại tệ bằng tiền, phải thu, cho vay cũng thường có các sai sót trong công tác kê khai hoãn lại về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài việc lưu ý đến các sai sót đã được phát hiện trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cũng nên quan tâm, nghiên cứu và đánh giá khả năng có các sai sót tiềm tàng khác liên quan đến chênh lệch tỷ giá, đặc biệt trong việc lựa chọn tỷ giá khi ghi nhận tài sản, nợ phải trả, doanh thu, chi phí, ông Vũ Minh Đức chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm về một số vấn đề sai sót thường gặp đối với kiểm toán việc quản lý giá sản phẩm quốc phòng trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - KTNN chuyên ngành Ia cho biết, sản phẩm quốc phòng là hàng hóa, dịch vụ được tạo ra từ các hoạt động công nghiệp quốc phòng, được Nhà nước đặt hàng cho các đơn vị sản xuất và thanh toán bằng nguồn ngân sách, do vậy doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng có một số cơ chế chính sách đặc thù riêng.
Thực tế kiểm toán việc quản lý giá sản phẩm quốc phòng là một lĩnh vực khó, do các sản phẩm rất đa dạng về loại hình, việc sản xuất và quản lý giá còn nhiều vướng mắc về cơ chế, thường xuyên biến động và chi phối bởi nhiều văn bản luật… Do vậy, để đánh giá chính xác và đưa ra kết luận, kiến nghị phù hợp nhất, KTNN phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm toán; xây dựng hệ thống dữ liệu về định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm…
Năm 2023, trong bối cảnh chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong nước cũng gặp không ít thách thức và phải tìm kiếm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi thực hiện kiểm toán, KTNN vừa phải thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán, vừa phải đưa ra các khuyến nghị, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả về thể chế, quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Ngoài ra, năm 2023, KTNN chuyên ngành VI được giao kiểm toán một số nhiệm vụ mới, chẳng hạn như kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, kiểm toán bù giá tại một số dự án... Đây là nội dung mới đòi hỏi phải có những quy trình, nội dung, hướng dẫn kiểm toán phù hợp, và các kiểm toán viên phải nghiên cứu kỹ nội dung, quy trình kiểm toán.
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo