Thay đổi thiết chế tài chính và cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:12, 30/11/2023

(BKTO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) và đang gửi lấy ý kiến. Giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần thay đổi thiết chế tài chính và cách tiếp cận, đồng thời đẩy mạnh áp dụng công nghệ và thiết kế sinh thái.
12.jpg
KTTH là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững

Thời gian qua, vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình Nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: KTTH là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH.

Để hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025 và đến 2030 cho thực hiện KTTH ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự thảo Kế hoạch đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện KTTH ở cấp độ quốc gia. Nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch gồm: 5 chủ đề, 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 56 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.

Chúng ta không có con đường nào khác ngoài đi về phía trước, hướng đến phát triển bền vững, trong đó KTTH là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường đó.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, KTTH cách đây 5 năm là 1 điều rất xa, nằm trên nghiên cứu nhưng hiện nay, đây là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu, Chính phủ, nhà khoa học, các doanh nghiệp và mỗi người dân cùng phải làm, đồng thời nhấn mạnh tới bài toán lượng giá kinh tế, tính toán lợi ích, hiệu quả mang lại khi triển khai nền kinh tế tiếp cận KTTH, dùng bài toán kinh tế để hướng các đơn vị lựa chọn áp dụng mô hình KTTH. Mọi chi phí, kết quả kinh tế đạt được phải được hạch toán cụ thể, để thấy rõ lợi ích tổng thể khi tiếp cận KTTH; các chi phí của doanh nghiệp bỏ ra, các chi phí làm gia tăng giá trị xã hội cũng như lợi ích mang lại để hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển.

“Trong kế hoạch hành động, nếu Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tôi mong các doanh nghiệp đặt ra các bài toán cho Chính phủ như chính sách pháp luật, áp dụng các biện pháp kinh tế, tính toán quy hoạch, thay đổi tư duy tài nguyên, thay đổi mô hình kinh tế…” - Phó Thủ tướng gợi ý.

Cần nguồn tài chính, công nghệ, thay đổi nhận thức

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, để phát triển KTTH, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng xanh cần nguồn tài chính và công nghệ. Muốn vậy, các thiết chế tài chính cần phải thay đổi. Bên cạnh đó, việc áp dụng KTTH rất cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các nước. Đặc biệt, chìa khóa quan trọng “mở cánh cửa”, giúp đạt mục tiêu KTTH chính là khoa học công nghệ. Việc chuyển đổi mô hình KTTH phải triển khai trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Cùng với đó, phải có lộ trình và cách thức thực hiện, cùng nhau làm, cùng nhau điều chỉnh, hoàn thiện…

Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Ramla Khalidi khẳng định, nền KTTH phù hợp với mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Có tới 80% nguy cơ tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. Bằng cách tạo ra thay đổi từ khâu thiết kế, doanh nghiệp có thể phù hợp hơn với những mong đợi ngày càng tăng của xã hội và yêu cầu quy định. UNDP khuyến nghị áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bắt đầu từ các yêu cầu chung mang tính sinh thái cho các sản phẩm như: Bao bì, nhựa, thực phẩm và đồ uống, dệt may và điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn. Bên cạnh đó, công nghệ kỹ thuật số không chỉ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp tuần hoàn để phát triển, mà còn thu hút tài chính dưới các hình thức ODA, vốn đầu tư hoặc quan hệ đối tác công - tư. “Trong lĩnh vực này, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến” - bà Ramla Khalidi đề xuất.

Ngoài ra, chuyển đổi tuần hoàn là một phương tiện đầy hứa hẹn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các ngành công nghiệp tuần hoàn có thể tạo ra việc làm bền vững và xanh. “Các chính sách tuần hoàn, đầu tư và chiến lược sẽ góp phần thực hiện tham vọng về khí hậu của Việt Nam và xúc tác để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, việc thúc đẩy các tiêu chuẩn Môi trường - xã hội - quản trị (ESG) của doanh nghiệp sẽ khuyến khích sự liên kết của hoạt động kinh doanh và giúp tiếp cận nguồn vốn xanh” - bà Ramla Khalidi lưu ý.

Từ góc độ định chế tài chính lâu năm trên thị trường, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital Dominic Scriven nhấn mạnh thông điệp giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế cần được thể hiện trong mỗi mặt hoạt động của hệ thống tài chính. Nếu muốn tác động vào KTTH, không thể không có các biện pháp mạnh mẽ đối với hệ thống tài chính. Ngành tài chính cần tuân thủ quy định pháp luật về KTTH, quản trị rủi ro cho hoạt động kinh doanh và chớp thời cơ đầu tư vào các lĩnh vực có cơ hội bứt phá./.

HỒNG NHUNG