Rốt ráo đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:17, 30/11/2023

(BKTO) - Tín dụng đến cuối tháng 10 mới tăng trên 7%. Từ nay đến cuối năm, sẽ rất khó khăn để tín dụng của nền kinh tế có thể cán đích mục tiêu tăng trưởng 14% cả năm, thế nhưng, còn nước còn tát…
tin-dung-tang-cham.jpeg
Các ngân hàng thương mại đang đồng loạt triển khai những gói tín dụng siêu ưu đãi, lãi suất thấp để kích cầu tín dụng dịp cuối năm. Ảnh minh họa

Tăng trưởng tín dụng 10 tháng còn cách xa mục tiêu cả năm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Như vậy, con số này vẫn còn cách xa mục tiêu 14% đặt ra từ đầu năm.

Việc triển khai các gói tín dụng cũng chưa được như kỳ vọng. Đơn cử, đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, tính đến cuối tháng 10/2023, giải ngân mới đạt 105 tỷ đồng.

Tín dụng 10 tháng đầu năm tăng chậm trái ngược hoàn toàn so với năm trước (giai đoạn cuối năm, nhiều ngân hàng thậm chí còn thiếu room tín dụng để cho vay). Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Ngân hàng Thế giới nhận định: Sự suy yếu kéo dài của khu vực đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp (DN) bị giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, khả năng hấp thụ tín dụng của lĩnh vực bất động sản yếu hơn trong năm nay là một trong những nguyên nhân chính tác động lớn tới tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Theo phản ánh của các ngân hàng, một nguyên nhân nữa khiến tín dụng tăng chậm là ngân hàng không thể cho vay khi DN không còn tài sản bảo đảm, hợp đồng đầu ra không chắc chắn, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ không có khả năng tài chính cũng như quản trị dòng tiền, quản trị sản xuất kinh doanh…

Với bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, các chuyên gia nhận định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% năm 2023 sẽ khó đạt được. Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán BSC cho biết, nhìn lại lịch sử từ 2016 đến nay, có thể thấy, tín dụng thường tăng trưởng yếu ở các tháng đầu năm và có sự bứt tốc mạnh mẽ ở cuối năm. Với kỳ vọng triển vọng nền kinh tế dần trở nên khả quan hơn về cuối năm, BSC tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12%.

Nhiều giải pháp kích cầu tín dụng

Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm là khó khả thi. Dẫu vậy, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm, phấn đấu đạt mức cao nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế vẫn còn chưa khởi sắc, các ngân hàng thương mại đang đồng loạt triển khai những gói tín dụng siêu ưu đãi, lãi suất thấp.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Bản Việt (BVBank), gói tín dụng siêu ưu đãi với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm đang được đẩy mạnh từ nay tới cuối năm, áp dụng cho khách hàng cá nhân và DN có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; khách hàng vay mua sắm, tiêu dùng hoặc khách hàng vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà… Mức lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm (áp dụng trong 3 tháng đầu từ ngày giải ngân).

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 7,5% đến 8%/năm cho cộng đồng DN trước mùa sản xuất kinh doanh cuối năm.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 5%/năm nhằm hỗ trợ DN, cá nhân sản xuất - kinh doanh cuối năm. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng triển khai gói vay 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm cho khách hàng cá nhân trong thời gian từ nay đến hết năm 2023…

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, ngành ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ. Dịp Tết, nhu cầu vốn tăng cao, các ngân hàng thương mại duy trì đảm bảo nhu cầu vốn, cho vay ngắn hạn giúp DN giảm giá thành khoảng 9.000 tỷ đồng qua kênh phân phối tiếp cận nguồn vốn giá rẻ…

Mới đây, tại Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Muốn kích thích nguồn tín dụng, trước tiên lãi suất cho vay cần phải hạ thêm, đồng thời phải rà soát các điều kiện ràng buộc về tiêu chuẩn tín dụng chưa phù hợp với thị trường và tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng của DN xuất phát từ khả năng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cầu tín dụng còn phụ thuộc vào tâm lý, đánh giá triển vọng của nền kinh tế trong tương lai. Khi chưa thấy tương lai nền kinh tế khởi sắc thì nhu cầu tín dụng sẽ còn thấp.

Ông Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân

Cùng với sự nỗ lực của ngành ngân hàng, theo các chuyên gia, các ngành, lĩnh vực mang tính chất là động lực tăng trưởng kinh tế cũng rất cần các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.

Một trong những giải pháp để kích cầu tín dụng được các chuyên gia nhấn mạnh là tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý. Chẳng hạn, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo phản ánh của cả ngân hàng thương mại lẫn các chủ đầu tư, quy định đối tượng vay/mua nhà ở xã hội quá ngặt nghèo, khiến người vay vốn và ngân hàng chưa thể gặp nhau. Những người thỏa mãn điều kiện thì lại khó chứng minh được khả năng trả nợ khi vay vốn ngân hàng.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ cần tháo gỡ các điều kiện về đối tượng vay và có giải pháp kích thích nguồn cung, gói tín dụng ưu đãi này sẽ chảy nhanh và góp phần thúc đẩy tín dụng của cả nền kinh tế./.

THÀNH ĐỨC