Các đại biểu nhất trí thông qua nội dung Dự thảo “Tuyên bố Hà Nội”

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:20, 18/09/2018

(BKTO) - Ngày 18/9, Dự thảo “Tuyên bố Hà Nội” do KTNN Việt Nam xây dựng đã được các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52 của Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) đồng tình cao và biểu quyết thông qua nội dung.



Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Đoàn Xuân Tiên trình bày Dự thảo "Tuyên bố Hà Nội" - Ảnh: Hoàng Dũng
Tại cuộc họp, được sự ủy quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đại diện trình bày Dự thảo “Tuyên bố Hà Nội”.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: “Tuyên bố Hà Nội” sẽ là văn kiện chính thức, quan trọng của ASOSAI 14 nhằm chuyển tải thông điệp quan trọng nhất của Đại hội và phản ánh những đề xuất, hành động của các SAI thành viên trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI cũng như mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Dự thảo “Tuyên bố Hà Nội” đã được rà soát và sửa đổi qua 5 bước. KTNN Việt Nam bắt đầu tổng hợp ý kiến góp ý cho Dự thảo từ tháng 6/2018, sau đó thảo luận với SAI Malaysia, SAI Hàn Quốc để thống nhất. Tiếp đó, KTNN Việt Nam gửi Dự thảo đến 46 SAI để trưng cầu ý kiến và đã nhận được ý kiến bổ sung, sửa đổi từ 4 SAI: Nhật Bản, Ấn Độ, Ả Rập Xê út và Pakistan. KTNN Việt Nam đã tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo lần 3 như công bố ngày 18/9/2018.

Dự thảo Tuyên bố có đoạn: “Tuyên bố Hà Nội khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Các đại biểu lắng nghe nội dung Dự thảo “Tuyên bố Hà Nội” - Ảnh: Thanh Tùng
Cùng với việc khẳng định ASOSAI là một tổ chức hợp tác đa phương hàng đầu ở châu Á sau khi trải qua 40 năm trưởng thành và phát triển, kể từ thời điểm Hiến chương ASOSAI ra đời, Dự thảo Tuyên bố cũng đã chỉ ra thách thức: sự chênh lệch giữa các SAI thành viên đã tồn tại từ rất lâu và vẫn đang là một trong những vấn đề cần giải quyết.

Do đó, nội dung trọng tâm Dự thảo Tuyên bố chung được đưa ra là “Chúng tôi, kiểm toán viên nhà nước đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực châu Á đến từ 46 quốc gia, tề tựu tại Hà Nội Việt Nam, đã thảo luận chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” nhằm chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực trong bối cảnh vai trò mới”, tuyên bố: “Chúng tôi tiếp tục triển khai sứ mệnh của ASOSAI trong việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực của các SAI thành viên, trong đó chú trọng phát triển kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững của các quốc gia và của khu vực”; “Chúng tôi tiếp tục hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để tạo động lực mới cho hợp tác ASOSAI, nhằm phát huy mọi tiềm năng của các SAI thành viên và đưa ASOSAI như là một tổ chức khu vực hình mẫu lên một tầm cao mới”.

Nhận thức về những thách thức quan trọng mà các SAI thành viên đang đối mặt, Dự thảo Tuyên bố cũng đề xuất các SAI cùng hợp tác và thực hiện những hành động: Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, song song với hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu.

Sau khi nghe toàn văn Dự thảo, các đại biểu đã nhất trí thông qua nội dung Dự thảo “Tuyên bố Hà Nội”.

VIẾT CHUNG