Tháo gỡ rào cản trong phát triển công trình xanh

Xã hội - Ngày đăng : 10:52, 30/11/2023

(BKTO) - Thúc đẩy phát triển các công trình theo hướng xanh hóa sẽ góp phần chuyển đổi xanh ngành xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các công trình xanh vẫn gặp khá nhiều rào cản, đòi hỏi cần có những giải pháp để tháo gỡ.
15.jpg
Phát triển các dự án, công trình xanh đang dần trở thành xu hướng trên thị trường bất động sản. Ảnh minh họa

Nhiều rào cản hạn chế phát triển công trình xanh

PGS,TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết, công trình xanh là công trình xây dựng được thiết kế và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giữa những năm 2000. Trải qua hơn 20 năm phát triển, đến nay, cả nước có khoảng 300 công trình xanh. Con số này là quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động trên thị trường.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả trong việc phát triển công trình xanh còn hạn chế, chưa được như kỳ vọng, ông Thành cho rằng, mặc dù hiện nay hành lang pháp lý về phát triển các công trình xanh đang ngày càng hoàn thiện, song các quy định liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích phát triển công trình xanh vẫn còn hạn chế, nên chưa khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển công trình xanh.

Theo ông Trần Quốc Khánh - đại diện Công ty Kính nổi Viglacera, để thúc đẩy phát triển các công trình xanh đòi hỏi nguồn cung các loại vật liệu xây dựng xanh phải dồi dào, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, việc phát triển các vật liệu xây dựng xanh, đảm bảo tiết kiệm năng lượng là điều không dễ dàng; trong khi đó, khuôn khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, do đó nguồn cung sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh đưa vật liệu xây dựng xanh vào sử dụng rộng rãi trong các công trình.

Ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Edeec - cho rằng, nhiều chủ đầu tư còn e ngại việc xây dựng, phát triển các dự án công trình xanh sẽ có chi phí đầu tư cao, vượt trội hơn nhiều so với công trình xây dựng thông thường, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại chưa nhận thức được một cách đầy đủ, thấu đáo những lợi ích của việc phát triển công trình xanh, từ đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn đầu tư xây dựng, phát triển dự án theo hướng xanh hóa. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu về thiết kế, xây dựng công trình xanh còn hạn chế, cản trở doanh nghiệp phát triển các công trình xanh…

Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp bất động sản

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm nhà ở, bất động sản ngày càng tăng lên, theo đó, bên cạnh các yếu tố về vị trí, giá cả, người mua nhà đang dần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình. Các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư cũng được người mua nhà đánh giá là một “điểm cộng” để đưa vào tiêu chí lựa chọn dự án.

Về phía các doanh nghiệp, việc đầu tư, xây dựng các công trình xanh đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Chi phí bảo trì công trình thấp hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, công trình bền vững hơn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu… Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm chuyển đổi việc đầu tư, xây dựng các dự án, công trình theo hướng xanh hóa, để không chỉ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn tạo lập giá trị bền vững trong dài hạn, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Việc làm này cũng góp phần thực hiện chuyển đổi xanh ngành xây dựng, qua đó đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Để thúc đẩy phát triển các dự án, công trình xanh một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức năng lượng liên quan đến việc xây dựng các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, làm cơ sở cho các doanh nghiệp có căn cứ áp dụng trong quá trình đầu tư xây dựng, phát triển các dự án. Song song với đó, Nhà nước cũng cần gia tăng cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, phát triển dự án, công trình theo hướng xanh hóa.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách để thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, qua đó tạo nguồn cung các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh phong phú, có chất lượng cao với giá thành hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể đưa vào sử dụng rộng rãi trong quá trình thi công, xây dựng các dự án.

Liên quan đến quan ngại của doanh nghiệp về vấn đề chi phí, ông Trần Quốc Khánh chia sẻ, khi sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, các công trình sẽ tiết kiệm được lượng lớn năng lượng tiêu thụ. Điều này cũng có nghĩa chi phí đầu tư và chi phí vận hành sẽ giảm đi đáng kể, khi đó, lo ngại về bài toán chi phí trong việc phát triển công trình xanh sẽ được hóa giải. “Việc xây dựng công trình xanh không thực sự làm tăng nhiều chi phí, nếu doanh nghiệp biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, đồng thời có phương án thiết kế dự án tối ưu hóa về chi phí đầu tư” - ông Khánh nhấn mạnh./.

Ngành xây dựng đặt mục tiêu, đến năm 2025, hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xanh, công trình phát thải carbon thấp. Giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu 100% các công trình xây dựng mới thực hiện kiểm kê khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mục tiêu đến năm 2050, trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí công trình xanh; 100% các tòa nhà thương mại, chung cư có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE tương đương được chứng nhận tòa nhà phát thải carbon thấp.

THIỆN TRẦN