Đang diễn ra Tọa đàm truyền hình: “Trồng rừng thay thế: Trách nhiệm thuộc về ai?”
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 14:41, 30/11/2023
Khách mời tham dự Tọa đàm có: TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II.
Đổi đất rừng để làm dự án hồ thủy lợi và cam kết trồng rừng thay thế của Bình Thuận từng làm dậy sóng dư luận cách đây chưa lâu.
Và mới đây, khi Kiểm toán nhà nước công bố kết quả kiểm toán về quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó chỉ rõ nhiều cam kết trồng rừng vẫn chưa được thực hiện thì câu chuyện của Bình Thuận cùng với kết quả kiểm toán tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề: Tính khả thi của các cam kết trồng rừng ra sao? Cơ quan nào giám sát việc này? Trường hợp các cam kết không được thực hiện thì trách nhiệm thuộc về ai và chế tài xử lý ra sao?
Để làm sáng tỏ những câu hỏi này, tại Tọa đàm, các khách mời đang tập trung làm rõ những khó khăn, bất cập của việc trồng rừng thay thế qua kết quả kiểm toán.
Cụ thể, kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 cho thấy, diện tích rừng giảm do chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác từ khi phát sinh việc trồng rừng thay thế đến 31/12/2022 là 34.346,95 ha. Vẫn còn hơn 3.243 ha của 33 địa phương chưa được trồng rừng thay thế.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ kinh phí tồn dư lũy kế từ khi thành lập các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng địa phương (năm 2012) đến 31/12/2022 là hơn 1.647 tỷ đồng chưa thực hiện được trồng rừng thay thế. Một số chủ dự án nợ tiền trồng rừng thay thế đến 31/3/2023 là trên 123 tỷ đồng, điều này cũng làm ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi trồng rừng thay thế.
Theo TS. Lê Đình Thăng, nếu nói về chính sách thì tương đối hoàn hảo. Theo luật, nếu chủ đầu tư lấy 1m2 đất rừng thì phải trồng thay thế 1m2 đất rừng. Về mặt lý thuyết thì có vẻ rất dễ và nguyên tắc là khi chủ đầu tư lấy đất rừng thì phải trồng rừng thay thế.
Đồng thời, chúng ta cũng có chính sách là, nếu chủ dự án không trồng rừng thay thế thì phải nộp tiền trồng rừng vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để địa phương trồng. Trong trường hợp địa phương không trồng thì sẽ điều tiết Quỹ này về Trung ương để Trung ương điều tiết sang các địa phương khác.
Như vậy, ông Thăng cho rằng, xét về khung lý thuyết, chúng ta thấy, có thể nói là hoàn hảo. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này có lẽ phải xem lại ở chỗ, địa phương nào cũng muốn lấy mất đất rừng để chuyển mục đích khác thì sẽ không có đất để trồng rừng tiếp theo.
Thứ hai, đang là rừng lấy để làm dự án, để trồng rừng thay thế từ khi trồng đến lúc thành rừng cũng mất thời gian dài 5, 7 chục năm. Điều này sẽ dẫn đến câu chuyện, chúng ta sẽ có một quãng thời gian bỏ trồng.
Thứ ba, liệu việc trồng rừng, quy mô như thế nào, cây cối ra sao, liệu nó có sống được không và cơ chế giám sát thế nào cũng chưa rõ ràng. Hiện nay, theo quy định, Cục Lâm nghiệp có trách nhiệm giám sát nhưng liệu Cục đấy có đủ lực lượng để giám sát không và có đủ công cụ để nếu không thực thi thì xử lý thế nào?...
“Đây là những khoảng trống mà qua kết quả kiểm toán, chúng tôi muốn các cơ quan nhà nước phải nhìn lại chính sách. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở cam kết là chưa đủ. Thực ra, đây mới là cam kết về mặt chính trị , còn để biến quyết tâm chính trị, cam kết này thành hiện thực thì nó là cả một chặng đường dài đòi hỏi phải có những chính sách rất cụ thể” - TS. Lê Đình Thăng đặc biệt nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh, các giải pháp về chính sách, nhìn khung lý thuyết thì có vẻ rất dễ, nhưng sâu xa nhất, có lẽ chúng ra phải xem lại tính khả thi của giải pháp. Giải pháp là chuyển đổi rừng bao nhiêu, thì trồng lại bấy nhiêu. Nghe thì dễ nhưng nói về tính khả thi, thì đất đâu mà trồng. Đất rừng thì có thể dễ nhưng các loại đất khác đều có chủ. Thành ra, giải pháp về mặt lý thuyết thì ổn nhưng về mặt thực tế thì không dễ, không dễ với cả các chủ đầu tư...
Theo kế hoạch, từ những vướng mắc, bất cập được phát hiện qua thực tiễn kiểm toán, các khách mời sẽ đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế này, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, cũng như đảm bảo định hướng: Không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng sẽ nêu quan điểm về việc Bình Thuận dự kiến sẽ lấy hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi và sẽ trồng rừng thay thế hơn 1.800 ha…/.
Những thông điệp mà các khách mời chia sẻ tại Toạ đàm sẽ được Báo Kiểm toán đăng tải trên số báo 49, phát hành ngày 07/12/2023 và đăng tải trên Báo điện tử Kiểm toán.