Đà Nẵng lần thứ 4 nhận Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam”
Địa phương - Ngày đăng : 16:29, 01/12/2023
Tại Lễ vinh danh, Đà Nẵng đã được lựa chọn trao Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023” tại các lĩnh vực: Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch và Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, căn cứ các kết quả đạt được, TP. Đà Nẵng cũng được Hội đồng Chung tuyển thống nhất trao Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023”. Đây là giải thưởng danh giá nhất và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị của giải thưởng năm nay. Theo đó, Đà Nẵng có năm thứ tư liên tiếp đoạt giải thưởng này.
Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” (Smart City Award Vietnam) được tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân, đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Đến nay, đã có 142 giải thưởng được trao, trong đó có 23 giải cho các đô thị, 3 giải dành cho các dự án bất động sản và 116 giải dành cho các giải pháp công nghệ.
Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023” được phát động từ ngày 20/7. Sau gần 3 tháng triển khai, Giải thưởng đã nhận được 100 đề cử. Qua 3 vòng đánh giá sơ tuyển, thuyết trình và chung tuyển, Hội đồng bình chọn với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước… đã lựa chọn trao 32 giải thưởng bao gồm: 7 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị; 1 giải thưởng dành cho bất động sản công nghiệp và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc.
Theo đánh giá của VINASA, thông qua giải thưởng, nhiều thành phố, đô thị đã chuyển sang giai đoạn 2 về “Xây dựng thành phố thông minh, bền vững, hướng trọng tâm đến người dân và doanh nghiệp”. Người dân và doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà đã là thành phần quan trọng, tham gia vào hệ thống kết nối, đô thị thông minh của các tỉnh, thành phố.
Điển hình như hệ thống giám sát quan trắc môi trường của TP. Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề. Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố.
Bên cạnh đó, Trung tâm IOC thế hệ mới của Đà Nẵng đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận/huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Đến nay, Thành phố đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở Thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022); tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở Thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia.../.