Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tiếp xúc cử tri tỉnh Hòa Bình
Chính trị - Ngày đăng : 17:46, 01/12/2023
Cùng tham dự Hội nghị có các ĐBQH: Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước; Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đức Chính - Bí thư huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.
Về phía tỉnh Hòa Bình có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu đến từ cơ quan Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; huyện ủy, UBND huyện Kim Bôi cùng hơn 300 cử tri của huyện.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đã thông tin đến cử tri những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và hoạt động của ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp.
Theo đó, sau 22,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 09 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến đối với 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Đặc biệt, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tham dự Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp vào thành công chung. Các đại biểu dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại các phiên thảo luận.
Tại Kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn đã tham gia 10 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 02 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. Trong đó, Đoàn đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành nhiều nội dung vướng mắc từ cơ sở, được cử tri tỉnh nhà quan tâm. Nhiều ý kiến đã được xem xét, tiếp thu.
Điển hình như, các đại biểu đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đối với các dự án do tỉnh Hòa Bình quản lý đến hết năm 2025 và cho phép bố trí kế hoạch vốn của Chương trình trong dự toán các năm 2024, 2025 để thực hiện.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hướng dẫn những nội dung còn vướng trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để giúp các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ và chất lượng; tạo điều kiện trong chỉ đạo lồng ghép triển khai các Chương trình tránh manh mún và lãng phí nguồn lực.
“Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, gắn bó mật thiết, liên hệ thường xuyên với cử tri và nhân dân, nắm bắt tình hình thực tiễn và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với địa phương” - bà Đặng Bích Ngọc cho biết.
Quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri thể hiện sự đồng tình, nhất trí với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu ý kiến đề xuất về: Hạ độ tuổi hưởng trợ cấp, nâng mức hưu trí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; quan tâm đến việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia bảo hiểm y tế; chế độ chính sách cho công chức cấp xã sau sáp nhập, chế độ cho người phụ trách thôn, xóm; kiện toàn bộ máy của cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; xem xét không giảm biên chế ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu giảng dạy; xem xét việc tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính linh hoạt; tăng cường đầu tư cho các xã thuộc vùng CT229, đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ an ninh, quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội.
Điều hành chương trình, tiếp thu ý kiến cử tri, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trực tiếp giải đáp, làm rõ hơn một số vấn đề cử tri kiến nghị, cũng như yêu cầu đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc tỉnh trả lời những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời trực tiếp giải đáp, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm.
Liên quan đến vấn đề về chính sách đặc thù, đầu tư toàn diện, nhất là cơ sở hạ tầng đối với các xã thuộc vùng CT 229; vùng điểm của an toàn khu, Thường trực Ban Bí Thư cho biết, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lực dành cho các địa bàn này còn khó khăn. Trong khi nguồn lực nhà nước hạn chế, thì việc huy động nguồn lực bên ngoài vào đầu tư gặp vướng mắc do các vấn đề về an ninh, quốc phòng.
Nhấn mạnh vấn đề này đã được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thay mặt Đoàn ĐBQH giải đáp, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tỉnh Hòa Bình cũng như các tỉnh, các xã diện này cần bám sát Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng để tháo gỡ. “Chúng tôi cũng sẽ có ý kiến về vấn đề này tới các cơ quan chức năng Trung ương” - bà Mai nói.
Về chính sách cho công chức xã, bà Mai cho biết, đây là vấn đề khó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan Trung ương; địa phương trong thẩm quyền của mình cần tập trung tháo gỡ vướng mắc để có chính sách cho công chức cấp xã.
Về công tác trưng cầu giám định tư pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng; phục vụ cho công tác truy tố, xét xử, Đoàn ĐBQH tiếp thu và sẽ kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền.
Nhấn mạnh vấn đề sáp nhập, sắp xếp đơn vị đã được đề cập nhiều, trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình để trả lời ý kiến cử tri, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai yêu cầu tỉnh Hòa Bình cần linh hoạt trong sắp xếp, tránh cơ học, máy móc, gây ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ, khó khăn cho người dân…
Khẳng định nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được địa phương giải quyết, tuy nhiên “một số chính sách thuộc về quyết định của cơ quan Trung ương, Đoàn ĐBQH sẽ ghi nhận và gửi đến Kỳ họp thứ 7 để kiến nghị xem xét, tháo gỡ” - bà Trương Thị Mai nêu rõ.
Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng đánh giá cao những nỗ lực, kết quả trong công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta năm 2023 tiếp tục gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới, hậu quả sau đại dịch Covid-19.
Dự báo năm 2024, tình hình cũng còn nhiều khó khăn. Do đó, đồng chí yêu cầu lãnh đạo các cấp tỉnh Hòa Bình cần tập trung đánh giá, rà soát, có giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; chăm lo tốt đời sống cho người dân; giữ vững tình hình an ninh, quốc phòng của địa phương...