Tuyên Quang chủ động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Kinh tế - Ngày đăng : 08:34, 08/11/2023

(BKTO) - Tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao thu nhập của người dân thông qua các mô hình sản xuất nông sản sạch.
tq-tt-2911-s.jpg
Tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao thu nhập của người dân thông qua các mô hình sản xuất nông sản sạch. Ảnh: ST

Đồng thời, xây dựng các hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của ngành, của địa phương và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch theo lĩnh vực ngành quản lý và địa bàn được phân công phụ trách. Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình.

Nhờ đó, người dân có nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí bình quân đạt 15,12 tiêu chí/xã. Thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2023, tỉnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch mục tiêu xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng tiêu chí bình quân trên xã toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành 228,8 km đường giao thông nông thôn và 39 cầu trên đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng 62,7 km; xây dựng, nâng cấp 6 nhà văn hóa xã, 8 sân thể thao xã, 70 nhà văn hóa thôn, 20 sân thể thao thôn và hỗ trợ trang thiết bị cho 85 nhà văn hóa thôn; xây dựng 1.010 nhà cho hộ nghèo… Trong năm, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 88,5 tỷ đồng để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác…

Thành phố Tuyên Quang là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2020 với 5/5 xã đạt chuẩn.

Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã huy động được tổng nguồn lực hơn 570 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp hơn 22,8%. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với sản xuất và dân sinh như: Giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tập trung...

Quá trình tổ chức thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, bảo đảm xác định được nguồn vốn đầu tư nên không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách các cấp, các xã tập trung vận động nhân dân chủ động sửa chữa, xây dựng mới nhà ở bảo đảm đạt chuẩn, cùng nhiều hạng mục hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Hiện nay, Thành phố Tuyên Quang đang tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hơn 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả diện tích 346 ha. Các vùng sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ, cho lợi nhuận từ 200-400 triệu/ha/năm. Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng.../.

MINH ANH