Đan Mạch: Kiểm toán chỉ ra những điểm yếu và hạn chế tại một số Bộ
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 20:42, 01/12/2023
Cuộc kiểm toán được thực hiện tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán khu vực công của Đan Mạch, nhằm đánh giá liệu các báo cáo tài chính có trung thực không; tất cả giao dịch có phù hợp, nhất quán với các khoản phân bổ đã được cấp không.
Cuộc kiểm toán cũng nhằm đánh giá tính trung thực trong báo cáo tài chính của các Bộ; xem xét các Bộ có tuân thủ các điều khoản về nguồn phân bổ đã được cấp không.
NAOD đưa ra 4 loại ý kiến kiểm toán độc lập về báo cáo tài chính công. Ý kiến chấp nhận toàn phần đưa ra khi báo cáo tài chính trung thực; tổng số sai sót và chênh lệch so với các khoản phân bổ không vượt quá 1% tổng thu, chi của Chính phủ.
Đối với các Bộ, ý kiến chấp nhận toàn phần khi tổng số sai sót và chênh lệch so với các khoản phân bổ của một Bộ được quy định ở mức 2% tổng thu, chi.
Ý kiến không chấp nhận toàn phần được đưa ra khi các báo cáo là trung thực, dù vẫn còn một số trường hợp ngoại lệ, một số sai sót trọng yếu, chênh lệch số liệu so với các khoản phân bổ tuy nhiên chưa gây ra tác động rộng lớn.
Ý kiến trái ngược được đưa ra khi các báo cáo không trung thực, có các sai sót, chênh lệch trọng yếu và gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực trên diện rộng.
Ý kiến từ chối được đưa ra khi NAOD không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá liệu các báo cáo có trung thực không.
NAOD cho biết, các báo cáo tài chính công năm 2022 của Đan Mạch nhìn chung đều trung thực và không có sai sót trọng yếu. Chính phủ đã tuân thủ các khoản phân bổ ở tất cả các khía cạnh trọng yếu.
NAOD phát hiện, báo cáo tài chính của 22 trong số 23 Bộ là trung thực và không có sai sót nghiêm trọng. NAOD đưa ra ý kiến không chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính của Bộ Kinh doanh, Công nghiệp và Tài chính, vì báo cáo tài chính của Bộ này bao gồm khoản kinh phí dự phòng không cần thiết trị giá tới 731 triệu USD. Sai sót trọng yếu này gây ảnh hưởng đến kết quả tài chính của Bộ và báo cáo tài chính công hợp nhất.
Bên cạnh đó, NAOD chỉ ra những điểm yếu và hạn chế trong công tác quản lý kế toán của 4 Bộ, bao gồm bất cập trong các hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý quyền của người sử dụng và quản lý an ninh mạng.
NAOD nhấn mạnh những vấn đề này và khuyến nghị các Bộ cần tăng cường các hệ thống kiểm soát nội bộ; giúp giảm thiểu nguy cơ sai sót trong các báo cáo tài chính sau này và giảm thiểu rủi ro gian lận./.
(Theo NAOD)