Chăm lo, bảo vệ người lao động bằng những hoạt động thiết thực
Xã hội - Ngày đăng : 07:47, 02/12/2023
Quan tâm đến người lao động khu vực phi chính thức
Thảo luận tại Trung tâm số 1 về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS), Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội bà Tạ Thị Mỹ Thanh cho rằng để thực hiện được mục tiêu đến hết nhiệm kỳ 2023-2028, cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cần có những giải pháp quan tâm đến người lao động khu vực phi chính thức.
Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang phi chính thức. Đây sẽ đối tượng cần tập hợp rất lớn trong nhiệm kỳ này, Chỉ khi được Công đoàn quan tâm, chăm lo, khi đó người lao động mới tham gia tổ chức Công đoàn.
Với những Ban Chấp hành CĐCS mới thành lập, Công đoàn cấp trên cơ sở cần tích cực hướng dẫn để Ban Chấp hành CĐCS mới thành lập hoạt động hiệu quả, bám sát nhu cầu đoàn viên các khối, nhất là đoàn viên khu vực lao động phi chính thức. Công đoàn Việt Nam nên dành nguồn lực, có cơ chế tài chính đặc thù cho cán bộ Công đoàn khu vực phi chính thức, để họ có điều kiện, dành tâm huyết cho hoạt động công đoàn.
Đảm bảo an ninh trật tự cho công nhân
Tham luận tại Trung tâm thảo luận số 10, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học cảnh sát Nhân dân Phan Văn Đuộc nhấn mạnh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng, không những làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt kết quả tốt, mang lại quyền lợi cho người lao động mà còn góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp công đoàn, ngành Công an đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh ngăn chặn các hành vi mất an ninh trật tự liên quan tới công nhân. Tuy vậy, thực tiễn cũng phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp có tác động tiêu cực đến ổn định quan hệ lao động và đảm bảo an ninh trong công nhân.
Theo đó, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất... Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, tại 11 tỉnh, thành phố xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Đặc biệt, tình trạng công nhân sa vào "tín dụng đen", bị "lừa đảo qua mạng" đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trong công nhân.
Trước tình trạng này, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học cảnh sát Nhân dân cho rằng, công đoàn cơ sở phải chủ động, nhạy bén phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để xảy ra tình hình phức tạp. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động công đoàn; làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động; chủ động lắng nghe, giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong công nhân.
Thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn
Tại trung tâm thảo luận số 4, các đại biểu đã góp ý với Đại hội về xây dựng bộ máy công đoàn đủ mạnh; đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Đinh Thị Thanh Hà, công đoàn cần hướng dẫn, vận động người lao động cùng tham gia xây dựng chính sách pháp luật. Tổ chức công đoàn cần thu hút người lao động xây dựng chính sách pháp luật liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì một trong những giải pháp tập hợp thu hút đoàn viên vào tổ chức là tổ chức công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó hướng hoạt động về cơ sở, chăm lo, bảo vệ tốt đoàn viên, người lao động bằng những hoạt động thiết thực.
Trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một số ý kiến cũng cho rằng cần tạo kênh liên hệ và kết nối thông tin nhanh chóng giữa tổ chức công đoàn và các đoàn viên, tạo mắt xích để hoạt động chăm lo đoàn viên được sâu sát. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu về tổ chức công đoàn...