Kiến nghị các giải pháp nâng cao vị thể của tổ chức Công đoàn trong lòng người lao động
Xã hội - Ngày đăng : 13:00, 03/12/2023
Lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm
Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn xác định lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương. Cán bộ Công đoàn các cấp coi cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu. Công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, Công đoàn cơ sở phục vụ người lao động.
Hiện nay, LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên với tổng số 9.360 Công đoàn cơ sở và 700.000 đoàn viên. Trong bối cảnh mới, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn xác định phải tập trung đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về người lao động, vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Đặc biệt, giai đoạn đại dịch bùng phát, các cấp Công đoàn đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn và vận động xã hội hóa với số tiền trên 100 tỷ đồng hỗ trợ cho 120.000 đoàn viên, người lao động; nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo được nhân rộng trong toàn hệ thống như chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Tổ an toàn Covid-19”, tặng “Túi An sinh Công đoàn”.
Trong nhiệm kỳ, Công đoàn Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động với số tiền trên 600 tỷ đồng thông qua các hoạt động tổ chức “Tết sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết, hỗ trợ Mái ấm Công đoàn, trợ cấp cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
LĐLĐ Thành phố sớm xây dựng Đề án vị trí việc làm, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đảm bảo giảm đầu mối, tinh gọn, hiệu quả, là đơn vị đầu tiên trong cả nước ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội.
Thời gian tới, Công đoàn Thủ đô đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cán bộ Công đoàn tăng cường đi cơ sở, nắm cơ sở, hỗ trợ cơ sở và lắng nghe cơ sở; tăng cường trao đổi thông tin thông qua các ứng dụng mạng xã hội, giảm hội họp và các thủ tục hành chính rườm rà; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản, triển khai chương trình kế hoạch của các cấp Công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn.
Các cấp Công đoàn luôn xác định lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương. Chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn cấp trên với cấp ủy trong chỉ đạo hoạt động Công đoàn cấp dưới; tranh thủ sự vào cuộc của chính quyền đồng cấp, các đoàn thể chính trị xã hội nhằm tạo nguồn lực, sức mạnh tổng hợp trong việc chăm lo bảo vệ đoàn viên, người lao động…
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội đề xuất, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hút đầu tư; quan tâm giải quyết vấn đề biên chế Công đoàn; có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và đảm bảo lương đủ sống cho người lao động.
Tập hợp người lao động khu vực phi chính thức vào tổ chức Công đoàn
Theo ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh, lao động phi chính thức là nhóm yếu thế, gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, trong khi đây đang là lực lượng giải quyết có hiệu quả nhu cầu về nhiều mặt của đời sống dân sinh, đặc biệt là tại các đô thị.
Đến hết quý III/2023, lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam chiếm đến 3/5 tổng số lao động, với số lượng khoảng 33,4 triệu người. Tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ gần 48% với khoảng 2,3 triệu người. Thành phố đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề.
Nhiệm kỳ vừa qua, nhất quán phương châm "nơi đâu có người lao động, nơi đó có tổ chức công đoàn", bằng nhiều giải pháp thí điểm, các cấp công đoàn đã có nhiều cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với hơn 11.000 lao động ở nhiều ngành nghề.
Đặc biệt, lần đầu tiên, có một nghiệp đoàn cơ sở tổ chức thành công đại hội và tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam kỳ này, có một đại biểu là chủ tịch nghiệp đoàn đại diện cho khu vực lao động phi chính thức tham gia đoàn đại biểu của Công đoàn thành phố.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Công đoàn TP. Hồ Chí Minh đặt ra trong nhiệm kỳ 2023-2028 là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động, đặc biệt là khu vực phi chính thức.
Nhiệm vụ này hướng đến mục tiêu thực sự đồng hành, hỗ trợ đối với rộng rãi người lao động, qua đó, xây dựng, củng cố hình ảnh, vị thế của Công đoàn Việt Nam trong người lao động và cộng đồng xã hội; đồng thời, tham gia thực chất vào công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đại diện, bảo vệ người lao động
Phát biểu tại Đại hội, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện nay, toàn tỉnh có 820.000 đoàn viên, đứng thứ hai cả nước về số lượng đoàn viên với hơn 4.200 Công đoàn cơ sở. Là tỉnh có số lượng đoàn viên, lao động đông nên các vấn đề liên quan đến tình hình quan hệ lao động, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên, người lao động luôn là vấn đề lớn, được các cấp Công đoàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, thu hút hơn 60.000 doanh nghiệp có vốn trong nước và hơn 4000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với trên 1,3 triệu lao động và chủ yếu là người ngoài tỉnh.
Theo đó, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, tích cực nghiên cứu, đề xuất tổ chức các hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại, thương lượng tập thể. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm đến giải pháp chung nhất, đảm bảo lợi ích cũng như việc tuân thủ thực hiện các cam kết giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần hạn chế tranh chấp lao động, đình công.
Đồng thời, Công đoàn chú trọng nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi cho người lao động; phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp người lao động, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn kỹ năng đối thoại tại nơi làm việc cho cán bộ Công đoàn đủ năng lực thực hiện tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Các cấp Công đoàn tỉnh cũng tập trung đảm bảo quyền lợi, phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức các hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên và mang dậm dấu ấn Công đoàn.
Đặc biệt, trong thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đã tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng hành trách nhiệm với doanh nghiệp, với địa phương thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức đối với đoàn viên, người lao động.
Thời gian tới, để tổ chức Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, LĐLĐ tỉnh Bình Dương không ngừng đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, tổ chức, phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.
Tích cực phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người lao động, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất. Đây là cơ sở để đề xuất, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động sẽ thuận lợi hơn.
Đổi mới phương thức hoạt động của Công đoàn theo hướng sâu sát cơ sở, hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành với Công đoàn cơ sở; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, chủ động đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến tình hình quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Lan tỏa sâu rộng thông tin, truyền thông về tổ chức Công đoàn
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động giữ vai trò quan trọng đối với xây dựng tổ chức và hoạt động Công đoàn, là phương tiện hữu hiệu đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, hoạt động của tổ chức Công đoàn đến đông đảo đoàn viên, công nhân lao động và toàn xã hội. Qua đó tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động, là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa, hiện thực hóa chủ trương, nghị quyết, kế hoạch hoạt động vào thực tiễn.
Với 29 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 2.882 Công đoàn cơ sở và hơn 170.000 đoàn viên, thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh đã tích cực đổi mới hình thức tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đa dạng phương tiện truyền thông qua nhiều trang, mạng xã hội…
Công tác tuyên giáo Công đoàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi mới với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp, thích ứng với xu thế thông tin, truyền thông hiện đại và nhu cầu của đoàn viên, người lao động; tạo dựng được hình ảnh, niềm tin của đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn. Qua đó, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn tỉnh đã phối hợp xử lý hiệu quả 19 cuộc đình công, ngừng việc tập trên trên địa bàn.
Tuyên truyền bằng gương người tốt, việc tốt, các cá nhân điển hình để lan tỏa gần gũi trong đội ngũ công nhân lao động; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy “xây” là cơ bản trong công tác tuyên truyền, vận động.Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám
Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, công tác viên dư luận trong hệ thống tổ chức Công đoàn có nền nếp, hiệu quả với hơn 42 báo cáo viên cấp tỉnh, 20 công tác viên dư luận và hơn 2.600 báo cáo viên cấp huyện.
Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An kiến nghị cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, sự kiện trọng đại, tạo thành các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, truyền cảm hứng, củng cố thêm niềm tin trong đoàn viên, công nhân lao động…
Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, giáo dục theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chuyên nghiệp, tính giáo dục, thuyết phục; phù hợp với xu thế tiếp cận, chia sẻ thông tin của công nhân lao động hiện nay.
Kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, mạng xã hội, khuyến khích sản xuất các sản phẩm truyền thông, ứng dụng công cụ trực tuyến. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo, đài, cơ quan truyền thông để xây dựng các kênh thông tin, các chuyên đề, chuyên mục, ấn phẩm media để tăng tính hấp dẫn, lan tỏa sâu rộng, phủ sóng thông tin, truyền thông của tổ chức Công đoàn.
Đồng thời, nắm chắc tình hình, sâu sát với công nhân lao động; dự báo đúng, kịp thời tình hình đoàn viên, người lao động theo hướng đa chiều, có sự tương tác nhiều hơn, thường xuyên hơn giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, công nhân lao động. Tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật, gây rối, làm mất an ninh, trật tự.